Dân Việt

"Binh, boong" chiêng cồng - “linh khí” nơi bản Mường

Bùi Việt Phương 09/03/2015 08:00 GMT+7
Nhắc đến đất Mường, người ta thường nghĩ ngay tới những tiếng cồng, chiêng vang lên từ những bản Mường  yên ả. Những âm thanh “binh”, “boong” vang động ấy đã có mặt từ bao đời nay trên mảnh đất này. Khi mùa Xuân đến âm thanh ấy lại cùng bà con đem niềm vui đến mọi gia đình.

Từ ngày còn bé, tôi đã được nghe các bà, các mế trong mường đánh cồng, đánh chiêng. Không như các nhạc cụ khác, cồng chiêng là "linh khí" thiêng liêng và cũng là niềm tự hào của dân tộc Mường. Khi âm thanh trầm hùng ấy vang lên, mang sức sống nhất phải là dịp mùa Xuân này. Như tiếng cồng, chiêng trong hội xéc bùa, với 12 chiếc chiêng tượng trưng cho mười hai tháng vang lên khắp bản làng, thay cho lời chúc, cầu mong điều tốt lành đến mọi nhà.

Khi ấy, nhìn người già trong phường chiêng râu tóc bạc phơ, nhưng khuôn mặt quắc thước, ánh mắt ngời sáng xoa chiêng thật cảm động và ý nghĩa.  

img
Chiêng, cồng âm vang trong mùa Xuân trẩy hội. (Ảnh: Bùi Việt Phương)

Nhớ ngày nào bé thơ, đám trẻ con chúng tôi đều hồi hộp nhìn ra cửa voóng mong đón phường bùa đến chúc tết nhà mình. Những âm thanh ấy như mang đến những gì may mắn, tốt đẹp của một mùa Xuân mới.

Những âm thanh ấy còn vang lên trong những ngày mồng Bảy hội Mường (tức ngày Tám tháng Giêng tính theo ngày lui tháng tới trong quan niệm của người Mường). Người xa quê làm ăn mọi nẻo nhưng ngày này về quê vẫn nhớ ghé Khai Hạ mường Bi cùng nhân dân xuống đồng. Nhớ ghé Bình Chân thăm hội đền đình Cổi lại được nghe tiếng chiêng rước kiệu Quốc mẫu. Bên những dãy núi cao, đồng rộng nghe âm như lọt qua tầng trời, lọt xuống tầng đất mà vang vọng tới ngàn sau. Ra gần mạn con sông Đà là tiếng chiêng làng Chăm, tiếng chiêng đình Sủ Ngòi…

Sau này lớn lên, được đi tới nhiều nơi tôi được nghe kể về những chiếc chiêng cổ rất quý hiếm. Có những bác nghệ nhân đã cao tuổi vẫn gom góp những đồng tiền lẻ rồi lặn lội khắp nơi để mua về những chiếc chiêng quý giữ gìn cẩn thận trong gia đình như một thứ gia sản. Những chiếc chiêng ấy chính là hồn cốt, là những gì tinh túy nhất còn đọng lại của văn hóa lịch sử dân tộc mình.

Nhớ một kỉ niệm thật thú vị. Có người đi xa quê hương nhưng vẫn giữ được một fie âm thanh tiếng chiêng Mường trong chiếc điện thoại của mình. Giờ nghỉ trưa ở một thành phố xa xôi, anh lên sân thượng tòa nhà cao tầng, bỏ mặc dưới kia là xe cô nườm nượm để lắng nghe những âm thanh “binh’, “bong” phát ra từ chiếc điện thoại bé xíu, mắt hướng về phía quê nhà với bao kỉ niệm.

Có lẽ, chính tiếng chiêng, cồng mùa Xuân ấy sẽ đi theo những người con đất Mường suốt cả đời người. Và cả với bất kì dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với bất kì ai, âm thanh ấy cũng gợi những náo nức của ngày Xuân, gợi những khát vọng bình yên no ấm và hùng tráng trên quê hương, đất nước mình.