Dân Việt

Bón phân Văn Điển cho cây dứa tại Thanh Hoá

KS Nguyễn Xuân Thự 10/03/2015 09:59 GMT+7
Trong những năm gần đây, người trồng dứa ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa được tiếp cận phân bón Văn Điển đã thu hiệu quả kinh tế cao.

Hiện Thanh Hóa có trên 2.000ha dứa trồng ở nhiều địa phương: Huyện Như Thanh, huyện Nông Cống, thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định), thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung... Đất trồng dứa hầu hết là vùng đất cao, đồi thấp có thành phần cơ giới thịt nhẹ, pha cát rửa trôi mạnh, do tập quán độc canh, lạm dụng nhiều phân hóa học thời gian dài làm cho đất nghèo kiệt các yếu tố như canxi (Cao), magiê (MgO), lưu huỳnh (S) cùng các chất dinh dưỡng vi lượng như kẽm (Zn), sắt (Fe) , bo (B)... Đất trở lên chua nặng pH (dưới 4,0), ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây dứa.

img

Bón phân ĐYT Văn Điển giúp dứa nhiều quả, quả đồng đều, chín tập trung...  T.G
Là cây cho sinh khối lớn để có được năng suất 80 tấn quả/ha, dứa đã lấy đi từ đất 646kg N, 367kg P2O5, 1.570kg K2O, 190kg CaO, 225kg MgO, 4.026kg SO2, 2,24kg Fe, 1,8kg Zn, 0,5kg B. Như vậy cây dứa cần tỷ lệ cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng NPK (1-0,3-2), đặc biệt cần các chất dinh dưỡng trung lượng với khối lượng lớn như magiê, silic, canxi và các chất vi lượng như sắt, kẽm, bo... Thực tế canh tác dứa ở Thanh Hóa, bà con nông dân ở nhiều nơi do hiểu biết về thổ nhưỡng phân bón còn hạn chế nên sử dụng phân đơn không có các chất dinh dưỡng trung vi lượng, hoặc dùng phân NPK thông thường không đầy đủ các chất trung vi lượng làm cho cây dứa sinh trưởng kém màu sắc lá thường xám xỉn hoặc bộ lá có bộ xanh lục xám... Do thiếu các chất dinh dưỡng trung vi lượng nên khả năng chống chịu sâu bệnh của cây dứa kém, thân lá phát triển không cân đối, năng suất và chất lượng thấp.

 

Kỹ thuật bón phân Văn Điển:

+ Phân đa yếu tố (ĐYT) chuyên dùng cho dứa của Văn Điển có 2 loại: ĐYT NPK 6.12.5 chuyên bón lót chứa N = 6%, P2O5 = 12%, K2O = 5%, CaO = 16%, MgO = 8%, SO2 = 5%, S = 2% và các chất vi lượng Fe, B, Zn... Tổng hàm lượng dinh dưỡng đạt trên 66%.

+ Phân ĐYT NPK 15.5.20 chuyên bón thúc cho dứa: N = 15%, P2O5 = 5%, K2O = 20%, CaO = 8%, MgO = 5%, SO2 = 7%, S = 2% và các chất vi lượng Fe, B, Zn... Tổng hàm lượng dinh dưỡng đạt trên 66%.

- Cách bón phân:

+ Bón lót (tính cho 1ha): Sau khi trồng cây dứa thường sinh trưởng chậm nên cần phải bón lót trước khi trồng đối với vụ đầu tiên, bón lót ngay sau khi thu hoạch quả đối với các vụ sau, lượng bón 800-1.000kg ĐYTNPK 6.12.5 cùng với 10-20 tấn phân hữu cơ hoai mục hoặc phân rác hữu cơ, theo rạch hàng đường cày rồi phủ đất, sau đó đặt chồi.

+ Bón thúc: Sau khi trồng 2-3 tháng bón thúc đợt 1. Giai đoạn này giúp cây con chóng hồi xanh chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh, lượng bón từ 800-1.000kg phân ĐYT NPK 15.5.20.

Bón thúc đợt 2: Sau khi trồng 5-6 tháng, cây dứa bắt đầu sinh trưởng mạnh cả về thân, lá, rễ. Bón thúc lúc này làm tăng tốc độ ra lá, tán lá, thúc đẩy quá trình phát triển tổng hợp chất hữu cơ để chuẩn bị cho phân hóa hoa. Lượng bón từ 800-1.000kg phân ĐYT 15.5.20.

Thúc đợt 3: Sau trồng 9 tháng (trước khi xử lý ra hoa) có tác dụng kích thích phân hóa mầm hoa, tạo tiền đề cho dứa ra hoa đậu quả tốt, quả phát triển nhanh.

Bón phân Văn Điển cho dứa cùng một lúc cung cấp đầy đủ cân đối các yếu tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, giúp dứa sinh trưởng khỏe, bộ lá xanh sáng bóng, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, không phải dùng thuốc BVTV; dứa nhiều quả, quả đồng đều, chín tập trung, năng suất cao, ngọt đậm, thơm, dễ tiêu thụ; đất trồng dứa được bón phân Văn Điển ngày càng màu mỡ.


 Cần lưu ý bón thúc đợt 1, đợt 2 đều phải xới rạch cách gốc từ 20-30cm rải phân, sau đó vun đất. Riêng bón thúc đợt 3, dứa đã khép tán lá rậm rạp nên bón phân khi trời tạnh ráo để hạn chế phân dính lên lá.