Dân Việt

Trồng chanh lai bông tím mà giàu

16/03/2015 06:15 GMT+7
Hai năm gần đây, một số hộ nông dân ở xã Thành Tâm (Chơn Thành, Bình Phước) đã chọn cây chanh lai bông tím làm cây trồng chủ lực. Đến nay, cây trồng này đã cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm nay người trồng trúng mùa, trúng giá.
Gia đình ông Vũ Phú Quốc ở ấp 2, xã Thành Tâm là một trong những hộ tiên phong trồng cây chanh lai bông tím. Đầu năm 2012, ông Quốc đã đến Đồng Tháp chọn mua gần 500 cây giống về trồng trên 1 ha. Sau 13 tháng chăm sóc, cây chanh đã ra hoa, nhưng do thân cây còn nhỏ nên đến 18 tháng ông mới để cây nuôi trái. Với 1 ha chanh lai bông tím, năm 2013, gia đình ông Quốc thu hoạch gần 20 tấn trái. Năm nay trúng mùa, gia đình ông ước thu khoảng hơn 30 tấn, giá bán trung bình 12 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, ông Quốc thu lãi trên 200 triệu đồng.

Gia đình ông Võ Phúc Cường ở ấp 3, xã Thành Tâm, đầu năm 2013 trồng khoảng 3 ha chanh lai bông tím. Năm nay trúng mùa, trúng giá, gia đình ông ước thu hơn 70 tấn trái, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng. Theo ông Cường, đất ở Thành Tâm rất phù hợp để trồng giống chanh này. Chanh có thể ra bông, trái quanh năm, nhưng muốn trái ra nghịch mùa phải chăm bón phân để cây ra hoa tháng 9, 10 dương lịch và cho thu hoạch sau 2-3 tháng.

img
Ông Vũ Phú Quốc ở ấp 2, xã Thành Tâm giới thiệu giống chanh lai bông tím .


“Trồng chanh lai bông tím cần kiểm tra vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và phun thuốc diệt trừ sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh ăn lá. Khi hết mùa mưa phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất, vì khi cây đang nuôi trái rất cần nước để cây phát triển tốt, cho trái to. Năm nay đầu ra rất dễ, thương lái ở Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đến tận vườn thu mua hết” - ông Cường cho biết.

Ông Võ Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết: Trong thời gian tới, Hội nông dân xã phối hợp Trạm khuyến nông và Trạm trồng trọt bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đối với mô hình trồng cây chanh lai bông tím cho nông dân nếu có nhu cầu. Hội khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì đây là một trong những cây giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.