Những ông trâu tham gia lễ hội đều được tuyển chọn khá khắt khe, theo đúng tiêu chuẩn của trâu chọi, có sức khỏe và sự nhanh nhẹn, lỳ đòn. Trước khi vào trận đấu, những trâu thi đấu đều được người quản lý chăm sóc theo những nghi lễ cổ xưa ở Thái Lan. Sau trận đấu, trâu bỏ chạy được cho là thua trận và trâu thắng cuộc sẽ được nhận giải thưởng trị giá vài triệu baht. Ở mùa lễ hội tiếp theo, chú trâu thua cuộc sẽ không được tham gia thi đấu nữa.
Tại Indonesia cũng có lễ hội chọi trâu ở Tana Toraja Regency trên đảo Sulawesi. Lễ hội chọi trâu Tana thường diễn ra sau khi kết thúc vụ mùa, nhằm để tôn vinh sự thành công của những người làm nông nghiệp.
Ngoài lễ hội chọi trâu, còn có những lễ hội đua trâu nước rất độc đáo như Hội đua trâu Karrnataka ở Ấn Độ; Lễ hội đua trâu Chon Buri ở Thái Lan; Lễ hội đua trâu Babulang ở Malaysia; Lễ hội đua trâu làng Vihear Suor, Campuchia… Những lễ hội này đều nhằm tôn vinh sức mạnh của nền nông nghiệp lúa nước và không giết thịt trâu tham gia cuộc đua.