Cuộc nội chiến Syria ngày càng lan sang các quốc gia láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ và vượt qua cả lằn ranh ngưng bắn ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Trong những ngày tới, tương lai của Syria có thể sẽ được xác định bởi một lực lượng tham chiến thứ ba.
Giới phân tích bình luận, cho đến nay, ông Obama đang nợ cả người dân Mỹ lẫn người dân Syria một tuyên bố rõ ràng về các đường biên giới tương lai của Syria và cách ông giúp phiến quân Syria xây dựng một "chính phủ Syria ổn định, phi đại diện sắc tộc, có khả năng giải quyết những nhu cầu của người dân thông qua các tiến trình hòa bình”. Mặc dù, ai cũng biết rõ, chiến thuật cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy của Syria là có dụng ý, nhưng với những cái nhìn “thông cảm” thì cho rằng, Mỹ có 3 lý do cần phải làm vậy để tránh bị suy yếu về ảnh hưởng.
Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 95.000 người. Ảnh: NYT |
Thứ nhất, Syria là một trụ cột lớn trong chính sách phòng vệ của Iran. Nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, Iran sẽ mất đi đồng minh quan trọng nhất và trở nên yếu hơn. Nhiều lãnh đạo quân sự và trong chính quyền Mỹ đã sử dụng lý do này để bào chữa cho việc tham chiến ở Syria.
Lý do thứ hai là sự trỗi dậy của al-Qaeda. Mỹ ngờ rằng, Syria đã là hang ổ mới cho các tay súng al Qaeda. Mạng lưới chân rết của Al Qaeda tại Syria đang hoạt động mạnh mẽ và điều có thể lường trước được đó là chỉ vài năm nữa một tổ chức al Qaeda kiểu Syria sẽ lớn mạnh, thách thức mọi nỗ lực chống khủng bố của Washington.
Thứ ba là mối nguy hiểm đối với khu vực vượt xa các đường biên giới của Syria. Jordani, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa vì tác động của cuộc khủng hoảng Syria cũng như việc chính quyền Assad muốn lây lan cuộc khủng hoảng của họ sang các nước láng giềng.
Hiện 1/5 dân số Jordani là người tị nạn Syria và con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một năm vì thủ đô Syria chỉ cách biên giới Jordani một giờ lái xe ôtô. Điều này đặt ra bài toán khó đối với Washington trong việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến chống lại những chế độ ủng hộ Mỹ.
Bước đầu của quyết định tấn công quân sự mà Mỹ dự tính sẽ hành động đó là việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Ông Obama cho rằng chính sách cung cấp vũ khí của ông không hoàn toàn mới, mà chỉ là sự tiếp tục chính sách trước đây, theo đuổi một giải pháp chính trị.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói rằng, cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp và chấm dứt nội chiến ở Syria là thông qua đàm phán hòa bình.
Quang Minh (tổng hợp)