Hôm nay (10.3), trong chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần V – 2015 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE) sẽ được lập lại, sau một thời gian ngừng hoạt động. Việc lập lại BCCE được kỳ vọng sẽ giúp người trồng cà phê Việt Nam bán sản phẩm gần với giá thế giới, đồng thời, hạn chế tình trạng “cò”, thương lái, ép giá nông dân.
“Tái thiết” bình cũ
Theo đó, sàn giao dịch này sẽ do Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột tổ chức, điều hành, dựa trên cơ sở chuyển đổi, tái thiết hoạt động của BCEC vốn hoạt động không hiệu quả trước đó. BCCE có vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đăk Lăk nắm 42%.
Cũng theo ông Hải, hoạt động giao dịch mua bán, ký gởi cà phê thông qua sàn giao dịch sẽ giúp đảm bảo cho nông dân đạt được mức giá chuẩn, theo sát giá cà phê robusta thế giới niêm yết tại London (Anh).
Vẫn nhiều trắc trở
Ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, gần 85% nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, hệ thống thu mua, tạm trữ cà phê cũng chưa được hoàn chỉnh. Do đó, việc bị ép giá, giá bán trong nước chênh lệch nhiều so với giá thế giới thường xuyên diễn ra.
Bên cạnh đó, hệ thống thu mua nhiều tầng nấc cũng khiến đẩy giá cà phê Việt Nam lên cao nhưng lợi nhuận người nông dân nhận được không nhiều. Ông Khiết cho rằng, đây cũng chính là những vấn đề mà Sở Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột phải có giải quyết được nếu muốn hoạt động hiệu quả.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Phương (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), người có nhiều nghiên cứu về chính sách tạm trữ, kinh doanh cà phê của Việt Nam và thế giới, thì cho rằng, nguyên nhân khiến cà phê và nhiều nông sản trong nước chưa “đứng” được trên các sàn quốc tế là do Việt Nam chưa định chuẩn được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của sàn giao dịch. Do đó, Việt Nam thường phải xuất khẩu nông sản, nhất là cà phê theo kiểu hợp đồng trừ lùi, giao sau.
“Hơn nữa, bán hàng qua sàn giao dịch, doanh nghiệp phải có tiền ký quỹ, phải vận chuyển hàng hóa đến kho, rồi phải giam hàng trong kho trong khi chờ đợi người mua… Như vậy, chi phí tăng lên và sẽ có một số vốn lớn bị chôn trong kho cùng với lô hàng. Mà doanh nghiệp Việt thì vốn rất mỏng”- bà Phương giải thích thêm.
Còn ông Nguyễn Thành Trì – nông dân trồng cà phê ở huyện Cư M’Ga, Đăk Lăk, cho biết, gần 20 năm gắn bó với hơn 3ha cà phê robusta cũng là chừng đó thời gian ông Trì gắn bó với những đại lý trung gian, thu mua cà phê tại địa phương. Bên cạnh việc bán cà phê, ông Trì còn phải thông qua đại lý để “ký nợ” tiền phân bón, thuốc trừ sâu... do không đủ vốn đầu tư. “Việc bán cà phê qua sàn giao dịch à, nghe khó hiểu quá!” - ông Trì trả lời.
Ông Trần Thanh Hải cũng thừa nhận, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, BCCE cần ít nhất 5 năm để hoàn thiện cơ chế hoạt động và đứng vững trên thương trường. “Cái khó nhất hiện nay là tập hợp nông dân trồng cà phê tham gia sàn giao dịch, hiểu biết và đánh giá được những lợi ích từ sàn giao dịch mang lại” - ông Hải nói.