Khi một trận động đất mạnh và tiếp theo đó là đợt sóng thần khủng khiếp khiến nóc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị thổi bay vào ngày này cách đây đúng 4 năm, cô Yumi Kanno không hề do dự. Cô ôm vội đứa con hai tuổi cùng bố mẹ chồng chạy càng xa càng tốt.
Bốn năm sau, Kanno và gia đình của mình vẫn phải ở nhờ nhà mẹ đẻ, khi họ không thể trở về ngôi làng từng rất tươi đẹp của mình, và giấc mơ đó của họ có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực vì cơn ác mộng phóng xạ.
Mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn cao gấp 10 lần mức bình thường, và hàng loạt làng mạc, thị trấn vẫn bị đóng cửa, bất chấp một nỗ lực dọn dẹp quy mô lớn. Kanno buồn bã nói: “Lúc đầu, tôi nghĩ rằng chỉ phải lánh nạn vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng giờ tôi không biết có thể còn quay lại đó nữa hay không”.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang kỷ niệm 4 năm thảm họa động đất sóng thần ngày 11/3/2011, các quan chức nước này kết luận rằng quá trình hồi phục tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn rất chậm chạp.
Gần 250.000 người dân Nhật Bản vẫn sống trong những căn nhà tạm, trong khi hàng trăm km vuông đất nông nghiệp, lâm nghiệp và làng mạc vẫn đang bị bỏ hoang do ảnh hưởng của phóng xạ. Các vùng nông thôn ở đây tràn ngập những dãy túi ni-lông dài bất tận đựng đất bị nhiễm phóng xạ.
Tại nhà máy điện Fukushima, phóng xạ đã không còn phát tán ra không khí, tuy nhiên các công nhân ở đây vẫn đang vật lộn để kiểm soát nguồn nước nhiễm xạ không bị rò rỉ ra ngoài, trong khi nhà máy không thể được tháo dỡ hoàn toàn trong ít nhất 30 năm tới.
Dù đến nay chưa ai thiệt mạng vì phóng xạ, và cũng chưa xuất hiện những căn bệnh chết người vì nó, nhưng người dân vẫn chưa muốn mạo hiểm trở về nhà. Họ đã mất niềm tin vào các quan chức, những người đã đã đưa ra các lệnh sơ tán mâu thuẫn nhau trong giờ phút đầu tiên của thảm họa cũng như những chỉ số phóng xạ thất thường mà họ đưa ra.
Trận động đất mạnh 9 độ richte là trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, và nó đã tạo nên một trận sóng thần cao tới 27,5 mét, quét sạch nhiều thị trấn, làng mạc dọc bờ biển đông bắc Nhật Bản, khiến gần 16.000 người thiệt mạng. Cho đến nay, hơn 2.600 người vẫn được coi là đang mất tích.
Nghiêm trọng hơn, nó còn gây ra một thảm họa kép khi sóng thần phá hủy 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima, khiến phóng xạ bị phát tán ra ngoài, buộc người dân sống trong bán kính 18 dặm quanh nhà máy phải sơ tán.
Bốn năm sau, chính quyền Fukushima vẫn chưa thể tìm được chỗ ở mới cho 230.000 người dân bị mất nhà cửa, vì họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm một diện tích đất phù hợp, cũng như những thiếu thốn về vật liệu và nhân công xây dựng.
Hậu quả do thảm họa kép trên gây ra vẫn còn hiển hiện ở ngôi làng Iitate. Ban đầu, các quan chức trong làng nói rằng người dân không phải lo sợ về phóng xạ, vì họ ở cách nhà máy Fukushima tới 19 dặm. Thế nhưng, vài ngày sau, lệnh sơ tán toàn bộ được ban bố khi các chỉ số phóng xạ tăng lên.
Giờ đây, dân làng chỉ được phép trẻ về nhà vào ban ngày, nhưng không được ở lại qua đêm hay dọn về hẳn. Trước đây làng có hơn 6.000 người, nhưng đến giờ chỉ còn vài trăm người trở về làng vào ban ngày.
Ông Muneo Kanno, người sở hữu một trang trại trong làng và giờ đây là trưởng nhóm giám sát phóng xạ tình nguyện tại làng cho biết: “Cảnh tượng ở đây giờ thật ảm đạm. Ban đêm, bạn sẽ không hề nhìn thấy một ánh đèn, còn ban ngày, lũ khỉ và lợn rừng lang thang trong làng, như thể đây là vương quốc của chúng”.
Phóng xạ trong làng đã giảm xuống ở mức độ được coi là an toàn, tuy nhiên ông Muneo cho hay rất ít người muốn trở lại đây, vì mức độ phóng xạ vẫn rất cao ở các khu rừng xung quanh, những nơi ít được dọn dẹp hơn.
Ông nói: “Phóng xạ là thứ mà bạn không thể nhìn thấy hay ngửi thấy được. Chỉ số phóng xạ thay đổi liên tục, vì mưa có thể cuốn đất nhiễm xạ tập trung vào một khu vực, và nồng độ phóng xạ tại khu vực đó đột nhiên tăng vọt. Đến giờ chúng tôi vẫn không biết khi nào có thể trở về làng định cư”.
Trong khi đó, giáo sư Satoru Mimura thuộc Đại học Fukushima thì cho rằng người dân chưa thể trở về làng Iiwate trong ít nhất từ 3 đến 5 năm tới.
Giáo sư Mimura nhận định: “Trong khu vực này sẽ có rất ít người dám mở cửa hàng hay các dịch vụ thiết yếu như chợ hay bệnh viện, bởi vậy việc người dân trở về đó ngay cả khi nồng độ phóng xạ đã giảm cũng là điều vô cùng khó khăn”.