Thiệt hại đủ đường
Theo các hộ nuôi, chưa có năm nào mà ngao thương phẩm lại chết nhiều và kéo dài như năm nay. Nhà bị thiệt hại ít nhất cũng 150 triệu đồng và hộ bị thiệt hại lớn lên đến cả tỷ đồng. Ông Bùi Quang Tường (51 tuổi) ở xóm Tiến Sầm, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Gia đình tôi có 15 năm kinh nghiệm nuôi ngao, nhưng chưa năm nào gặp cảnh ngao chết nhiều như năm nay. Vụ ngao này tôi đầu tư mua giống gần 700 triệu động về thả nuôi xấp xỉ 3ha tại khu vực sông Gia Hội. Từ mùng 4 Tết ngao bắt đầu chết hàng loạt, ước tính đến nay đã chết gần 30 tấn, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Gia đình đang thuê 20 lao động địa phương đến thu dọn đưa toàn bộ số ngao chết ra khỏi khu vực nuôi với tiền công 150.000 đồng/ngày.
Ngao nuôi thương phẩm của người dân ở Cẩm Xuyên chết hàng loạt.
Nuôi mật độ dày, môi trường bất lợi
Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh sau khi nhận được tin ngao nuôi chết hàng loạt đã cử cán bộ chuyên môn xuống lấy mẫu kiểm tra, bước đầu đã có kết quả gửi UBND huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh. Tính đến đầu tháng 3.2015, ngao chết trên địa bàn xã Cẩm Lĩnh có 16ha với sản lượng thiệt hại là 118 tấn của 7 hộ dân; còn tại thị trấn Thiên Cầm là 22,6ha với sản lượng thiệt hại là 167 tấn của 14 hộ dân. Các bãi nuôi thả giống mật độ 330con/m2 (kích cỡ 400-450con/kg), đến nay ngao đã đạt khoảng 50-60 con/kg. Tại xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh số lượng ngao chết trên 29ha với 15 hộ nuôi. Ông Phạm Thanh Bình- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh nói, ngao chết do mật độ nuôi cao làm cho hàm lượng ôxy hòa tan không đủ, lại do môi trường bất lợi-thủy triều lên có màu đục, đỏ gây sốc cho ngao.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, ngoài việc giám sát diễn biến dịch bệnh, các hộ nuôi cần khẩn trương vệ sinh khu vực nuôi bị bệnh, vớt ngao chết ra khỏi khu vực nuôi; thu hoạch và chuyển số ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; cày xới, phơi bãi và không thả giống sau thời gian tối thiểu từ 3-4 tháng.