Còn ở địa phương, cán bộ thực thi cũng không hay, không biết...
Có “miếng giẻ” mà không biết Ông Đào Kênh, 79 tuổi, ấp Phú Hòa, thị trấn Cờ Đỏ TP.Cần Thơ đang điều trị bệnh dài hạn tại khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện (BV) Đa khoa TP. Cần Thơ. Ông Đào Kênh cho biết, gia đình ông có sổ hộ nghèo. Nhà nghèo không ruộng vườn canh tác, ông bà lại lớn tuổi nên lúc khỏe thì đi nhặt ve chai, mò cua bắt ốc sống đắp đổi qua ngày. Cách đây 20 ngày, ông Kênh bị đau bụng, đến BV Đa khoa Cờ Đỏ khám thì phát hiện bị khối u dạ dày, BV đã làm thủ tục chuyển ông lên BV Đa khoa thành phố điều trị.
Bà Chàm H.Mít hái măng đem ra chợ bán với giá 5.000 đồng/kg, kiếm thêm vài chục nghìn đỡ cho tiền xe lên thành phố khám bệnh.
“Lúc chuyển viện, tôi không nghe bác sĩ hướng dẫn hay nhắc nhở gì chuyện được hỗ trợ tiền ăn và đi lại. Vì không có tiền đi xe bệnh viện nên tôi phải đi nhờ xe Hội Chữ thập đỏ, đóng 200.000 đồng tiền phí”- ông Kênh kể.
Sau 20 ngày nằm viện, ông được bác sĩ phẫu thuật 2 lần, tổng chi phí lên hàng chục triệu đồng, chưa biết lấy tiền đâu ra để trả. Khi phóng viên NTNN nói về Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo khám, chữa bệnh, ông Kênh bày tỏ: “Tôi mổ 2 lần, sức khỏe rất yếu mà không có tiền mua hộp cơm thịt cho lại sức. Hàng ngày, tôi đi xin cơm từ thiện bệnh viện. Chỉ có cơm chay, rau củ. Hàng chục bệnh nhân nghèo cùng khoa với tôi đều không biết có chính sách đó. Tôi rất mong được hướng dẫn để có thêm nguồn lực chống chọi với bệnh tật”.
Tại TP.HCM cũng có khá nhiều bệnh nhân nghèo phải về quê vì không tiền xe cộ, ăn ở khi điều trị. Phóng viên NTNN gặp bà Chàm H.Mít (60 tuổi, dân tộc Chăm) trong căn nhà ọp ẹp ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh vào sáng 30.8. Thời điểm này, lẽ ra bà đang nằm ở BV Ung bướu TP.HCM nhưng vì hết tiền điều trị, không có tiền ăn uống, bà đành phải về quê.
Bà H.Mít bị ung thư và phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng tại BV Ung bướu TP.HCM. Tổng cộng chi phí mổ, hóa trị, thuốc men, ăn ở, đi lại ở thành phố ngót nghét 30 triệu đồng. Thu nhập từ làm rẫy mì của hai vợ chồng chỉ được hơn 1,8 triệu đồng/tháng. “Mỗi lần đổ bệnh là mỗi lần đi vay. Nợ ngập đầu. Nhiều lúc tui chỉ muốn lịm đi vĩnh viễn, chứ kiểu này khổ quá. Nhưng cứ mỗi lần nhắm mắt lại, tui lại nghe những tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi của các con là giật mình tỉnh dậy. Cứ gắng gượng chứ biết làm sao”- bà H.Mít nghẹn ngào.
Năm 2013, xét hoàn cảnh của bà, xã đã cấp cho bà thẻ BHYT hộ nghèo với mức hưởng chi trả 95%. Bà mừng lắm vì trước đó bà phải mua bảo hiểm tự nguyện. Cho đến giờ, mỗi 3 tháng, bà và con gái lại phải lên thành phố tái khám và chích thuốc. Bà cho biết: Riêng tiền xe đi, về của hai mẹ con đã hơn 300.000 đồng.
Thế nhưng, cũng như nhiều bệnh nhân khác, tôi hoàn toàn không biết có Quyết định 14. Đi khám bệnh, tôi chỉ dám xin cơm từ thiện, ngủ ghế bố 18.000 đồng một đêm, vậy mà cũng đi đứt gần cả triệu đồng cho hai mẹ con. Nếu được hỗ trợ thì đỡ quá, chúng tôi có cơ hội đi khám và điều trị. “Có miếng giẻ cũng đỡ nóng tay”, nhưng chúng tôi không biết lấy ở đâu.
Sở này “đá bóng” cho sở kiaĐể làm rõ câu hỏi của bà H.Mít, phóng viên NTNN đã tìm đến các cơ quan chức năng và bất ngờ khi ngay cả cơ quan chịu trách nhiệm triển khai cũng không biết. Thông thường, chính sách hỗ trợ người nghèo sẽ được thông báo tới đối tượng hưởng lợi qua UBND xã hoặc do BV chuyển tuyến hướng dẫn.
Việc thực hiện do sở y tế chủ trì (Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo dự kiến do sở y tế quản). Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thái Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, xã không hề biết về Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Hòa, “huyện còn chưa chắc biết nữa chứ nói chi xã” và khuyên chúng tôi nên lên thẳng Sở Y tế tỉnh mà hỏi.
Thực tế tại khu vực phía Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 33/34 tỉnh, thành không thông báo và không có hỗ trợ đi lại, ăn ở nên bệnh nhân nghèo khi chuyển về TP.HCM điều trị phải tự lo khoản tiền này. Theo BV Chợ Rẫy, trước đây, khi còn áp dụng Quyết định 139, nhiều địa phương có ký kết với BV để hỗ trợ cho người bệnh nghèo, nhưng từ khi áp dụng Quyết định 14 thì chưa thấy các địa phương động tĩnh gì. Tại các BV như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Răng-Hàm-Mặt… lãnh đạo BV phải tự trích quỹ xã hội của mình hoặc nhờ các tổ chức từ thiện hay Mạnh Thường Quân hỗ trợ chi trả viện phí và lo các bữa ăn từ thiện cho người nghèo.
|
Vượt qua gần 30 cây số từ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, chúng tôi đến Sở Y tế tỉnh Tây Ninh. Giám đốc, Phó Giám đốc đều đi họp, đi công tác xa. Tiếp phóng viên NTNN, đại diện phòng Tài vụ cho biết, quyết định nói trên của Chính phủ liên quan đến Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Từ năm 2012, quỹ đã được Sở Y tế chuyển sang cho Sở LĐTBXH quản lý và sử dụng, nên vấn đề này không còn nằm trong phạm vi trách nhiệm của y tế (?).
Tiếp chúng tôi tại Sở LĐTBXH tỉnh Tây Ninh, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội và Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng, văn bản của Chính phủ nói rõ vấn đề trên do ngành y tế chủ trì.
Do đó, sở y tế các tỉnh phải có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản chỉ đạo triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo bà Xuân, hiện tỉnh Tây Ninh chưa có văn bản chỉ đạo liên quan đến Quyết định 14 của Thủ tướng. Bà cho biết thêm, nếu có văn bản chỉ đạo triển khai từ tỉnh, thì huyện, xã đều phải biết hết.
Chúng tôi đành phải quay lại Sở Y tế, thì phòng Tài vụ vẫn khẳng định chuyện này thuộc Sở LĐTBXH. Chờ mãi đến cuối buổi chiều, chúng tôi mới gặp được ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh vừa đi họp về. Tiếc thay, ông trả lời là không rõ việc này thế nào(?). Điều này giải thích tại sao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành và có hiệu lực hơn 1 năm nay, nhưng hãy còn cách “xa” bệnh nhân nghèo lắm lắm.
“Chủ yếu trông chờ vào từ thiện”
Trao đổi với phóng viên NTNN về việc triển khai thực hiện Quyết định 14, ông Huỳnh Ngọc Hùng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ ban đầu tỏ ra rất bất ngờ nên nói: “Mấy ngày nay tui đi họp nên công văn gửi đến tui không biết”. Khi phóng viên nói đó là Quyết định 14 sửa đổi, bổ sung Quyết định 139, có hiệu lực từ năm 2012 thì ông Hùng mới ậm ờ, cho biết:
“Vì quyết định này còn mới, nên với góc độ của sở thì chỉ đạo cho các quận, huyện tuyên truyền chung với các quyết định khác, chứ chưa thật sự đi sâu”.
Đại diện đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện quyết định này, bà Lê Hoàng Kim Phụng- Phó phòng Kế hoạch- Tài chính Sở Y tế TP. Cần Thơ, cho biết: Sở Y tế Cần Thơ đã triển khai Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001 đến năm 2011 thì không còn quản lý quỹ hỗ trợ này nữa. Tuy nhiên ngành y tế Cần thơ vẫn triển khai cho các BV trích kinh phí của đơn vị để lập Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc BV Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết, hàng năm BV trích khoảng 400 triệu đồng từ nguồn thu của BV để thành lập Quỹ Hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, về hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở theo Quyết định 14 thì không có. Các bệnh nhân chủ yếu trông chờ vào từ thiện.
Hồng Cẩm
|