Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của cách dệt Ikat là trong qua trình nhuộm màu sợi bông, do “lỗi kỹ thuật” hoặc nước thuốc chưa đạt yêu cầu, cũng có khi do không khuấy kỹ dung dịch nước nhuộm, cho nên khi đưa sợi vào nhuộm thì chúng thấm không đều, làm cho chỗ đậm chỗ nhạt. Khi dệt vải, người ta thấy rằng chỗ sợi nhạt màu đã tạo ra những hoa văn có hình thù khác lạ và có vẻ đẹp cổ xưa, tự nhiên. Từ phát hiện tình cờ đó, đồng bào chủ động chế tác, sản xuất ra một loại sợi đặc biệt bằng cách che chắn, bao các đoạn sợi lại rồi mang đi nhuộm màu để sau đó chúng có tông màu đậm, nhạt khác nhau.
Để có được những dải hoa văn gợn sóng trên vải thổ cẩm, người thợ dệt phải thực hiện qua nhiều công đoạn: Lấy sợi bông vừa xe còn nguyên màu trắng nhúng một vài lần vào nước cây ta râm để biến sợi thành màu xanh chàm, mà người Cơ Tu gọi là tơ viêng. Khi sợi khô ráo, người ta treo sợi lên giàn để phơi rồi tiến hành một số thao tác để tạo ra loại sợi đặc biệt dùng để dệt hoa văn gợn sóng, đó là lấy lá a yâng, một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, bao vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần để sợi chuyển màu đen (tăm). Với cách làm này, chỗ sợi được bao bằng lá a yâng giữ nguyên màu xanh mà không bị nhuốm đen trong quá trình nhuộm màu. Sau khi nhuộm, trên một đoạn sợi cùng có hai màu chàm xanh và màu đen lẫn lộn, tạo ra hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Khi dệt, người ta bố trí chỗ sợi có màu xanh chàm liền kề với nhau để hiện ra hoa văn có hình thù rất độc đáo và lạ mắt trên nền đen của vải thổ cẩm - mà ta hay gọi là “hoa văn gợn sóng”.