Dân Việt

Du xuân chốn nước non lặng lẽ

Bùi Việt Phương 14/03/2015 07:00 GMT+7
Chẳng hẹn mà nên, Xuân này, khi cái rét đã trở lại với màn mưa từng hạt nhỏ, mưa như rắc hạt mầm xuống đất đai, chúng tôi cùng nhau xuôi về phía biển - nơi Tràng An non nước giao hòa, cảnh vật nguyên sơ, tĩnh lặng của miền đất Ninh Bình cổ kính.
Theo nhiều tài liệu sử học cũ thì đất ấy, tiếp giáp với xứ Thanh sẽ là mảnh đất cuối cùng của miền Bắc kỳ xưa với một khí hậu, văn hóa rất đặc biệt. Biển đã rút ngàn vạn năm nhưng những gì để lại cũng đủ làm nên cái lạ của mảnh đất này.

Qua những ngôi làng của vùng đất cổ Khoan Dụ, Yên Bồng , Xích Thổ xưa, nhìn những con đường đất đỏ, chúng tôi được nghe bác tài người vùng này kể câu chuyện về mảnh đất một thời từng có những con đường làng ngập lụt, có nơi mùa nước phải cưỡi trâu. Con đường 59 nổi tiếng một thời trong câu chuyện của nhiều người lính hành quân vào chiến trường B lại đưa chúng tôi về với đất cố đô bằng những huyền thoại như thế. Ở đây vẫn chót vót núi cao nhưng đất trũng chứ không còn khô cằn, những con suối, những ao hồ như báo hiệu điều đó khi chúng ngày một dày đặc thêm.

Anh bạn đi cùng xe với tôi bảo đây cũng là quê ngoại của anh. Mùa nước lên, tuy không ngập cao nhưng đủ ngập các ngấn đá. Cái tên gọi non nước mới thật đúng nghĩa. Bởi thế những Tràng An, Bích Động cứ lãng đãng đưa du khách ngao du sơn thủy chẳng muốn cất bước lên bến trở về.

img
Du xuân giữa miền non nước (ảnh: Bùi Việt Phương)

Gần trưa, chúng tôi xuống thuyền bến Tràng An. Những tấp nập trên bờ của khu du lịch không làm mất đi sự hoang vắng, tĩnh lặng của vùng đất một thời là kinh kì cổ kính. Trước khi có những Đại La (Thăng Long), Thuận Hóa (Huế) hay Gia Đình (Sài Gòn) thì đã có Tràng An, những gì mà những dãy núi dựng đứng cất dấu là  vẻ đẹp trời ban, là chốn du xuân thanh vắng và sâu lắng biết chừng nào. Bao dãy núi xếp vòng như tường thành kĩ vĩ che chở cho kinh đô nước Việt thật xứng danh là đất Nam thành.

Nhìn những khu rừng ngập nước, những dãy núi mờ sương thấy nước non cũng đủ làm nên kì thú chứ đâu cần phải đền đài nhân tạo tráng lệ. Khúc song tấu của nước non qua bao hang động mà không nhàm chán. Dòng nước dưới này trong soi bóng thuyền, sương trùm đỉnh non trắng tinh khôi, mưa xuân bay như càng tạo thêm vẻ đẹp cho bức tranh sơn thủy. Qua mỗi gầm hang động, nghe câu chuyện của người lái đò nhã nhặn, điềm đạm kể về hang công chúa đã từng tắm, hang có dòng nước nấu rượu, hang có hình con tắc kè trên vách đá… Giật mình nhớ ra cái tên ấy chính là cách gọi khác của Trang An. Qua bao đời, người dân Nam thanh đã thành người thôn dân hiền lành, quê mùa như thế.

Thuyền đã đi qua hơn chục cây số, tưởng đã đi cách bờ khá xa, những vẻ đẹp tinh khôi của mùa Xuân từ màu lộc nõn của những rừng cây trên núi, rừng ngập nước, của những làn mưa xuân, của sương núi thanh tao. Nhưng hỏi ra mới biết đó là bởi dòng nước quanh co như trần độ khiến du khách lạc bước.

Thuyền quay về bến đã gặp thuyền mới rời bến, cảnh sắc kì vĩ, huyền bí của chốn nước non lặng lẽ như tâm hồn Việt để du khách qua đây một lần không thể nào quên.