Toàn cảnh khu mộ đá cổ. (Ảnh: Hà Sơn)
Giáp mặt khu mộ kỳ bí
Vượt hơn 200km từ thành phố Hà Nội về thượng nguồn sông Mã là khu mộ đá của huyện Bá Thước. Khu mộ này nằm cách quốc lộ 217 chưa đầy 1km. Theo các cụ cao niên trong vùng, đây là khu mộ cổ của người Thái di cư từ Mường Mun (Hòa Bình) sang. Hầu hết các ngôi mộ này đều có hòn mồ dài từ 1 đến 2m, chưa kể phần chôn dưới đất. Trên một ngôi mộ lại chôn từ bốn đến năm phiến đá mồ, hòn cao nhất tượng trưng cho đầu người, còn lại là chân và tay. Người Thái gọi những phiến đá này là “Hin Hóng”.
Ông Hà Nam Ninh - Nhà nghiên cứu văn hóa Thái nói: “Hiện người Thái Thanh Hóa vẫn giữ được phong tục mai táng cổ. Họ thường chôn theo vòng tay bằng vàng hoặc bạc, trên đầu còn rải một lớp than tro. Cuối cùng là vật dụng của người đã khuất. Theo tôi, đây có thể là mộ của người Thái, bởi họ đã khai phá vùng đất này từ rất lâu đời, xong do một biến cố lịch sử nào đó mà họ phải rời bản xứ đi nơi khác”.
Ông Hà Nam Ninh (cao 1m75) đứng bên ngôi mộ cổ số 949 (Ảnh: Hà Sơn)
Theo các cụ cao niên ở trong bản, trong vòng bán kinh chừng 20km người dân không hề phát hiện ra loại đá này. Đây có thể là mộ của Lang đạo nên mới đắp to như vậy. Ông Hà Văn Ặng (65 tuổi) người trong bản Hiềng đưa ra giả thiết: “Do là mộ của quan Lang, nên lúc đi lấy đá mồ họ phải huy động sức dân để vận chuyển. Trước tiên họ sẽ dùng khung gỗ hình chữ V, sau đó buộc các phiến đá vào để kéo về nhà. Do đồng bào sống đoàn kết, nên việc huy động sức người sẽ rất dễ dàng”.
Cũng theo ông Ặng, đây là vùng đất rất hiểm trở, kẻ thù khó công ta dễ thủ. Xưa kia nghĩa quân Lê Lợi cùng tướng quân Lò Kăm Ban đã cắm chốt ở nơi đây. Bởi vậy mà khu mộ đã góp phần đánh thắng giặc Minh xâm lược. Hiện cứ vào ngày 21, 22 tháng Giêng hàng năm, bà con trong bản lại tổ chức lễ hội ở miếu thờ vua Lê. Một trong những lễ cúng truyền thống không thể thiếu của địa phương đó là canh uôi nấu với củ măng rừng.
Chuyện "lạnh gáy" ở khu mộ đá
Xưa kia, dân bản Hiềng luôn coi khu mộ này là chốn huyền bí, nên rất ít người giám đặt chân đến. Trước Cách mạng tháng 8.1945 khu mộ này gần như là cấm địa, bởi có nhiều "ông chúa sơn lâm" nặng tới vài tạ sinh sống. Khi mặt trời khuất bóng xuống núi, trong khu rừng hoang thường phát ra tiếng gầm rú. Đêm đến bà con nhốt trâu, bò, ngựa, dê dưới gầm sàn là ai cũng phải đề phòng loài hổ dữ. Sau Cách mạng tháng Tám, dân ta ra sức khai khẩn khu rừng vì vậy mà hổ mới vắng dần.
Ông Hà Văn Ặng nói về cách lấy “đá mồ”. (Ảnh: Hà Sơn)
Ông Ặng kể: “Ngày trước trong bản này, lúc ông Pú ốm sắp chết có dặn con phải đem chôn mình ở khu mộ đá cổ. Theo lời cha dặn, mấy đứa con đưa cha lên khu mộ để mai táng. Không lâu sau gia đình bất hòa, con cái thường mơ thấy người cha bị đuổi đánh, chèn ép, thậm chí còn đi làm khổ sai. Ít lâu sau mấy đứa con của ông bị ốm, thấy vậy người nhà mới chuyển hài cốt ông Pú về khu nghĩa địa cũ của dân làng. Cũng từ chuyện đó mà không ai dám xâm phạm đến khu đất thiêng này nữa”.
Ông Lò Văn Đặng 62 tuổi góp chuyện: “Trong một buổi chiều tôi thả trâu vào khu mộ cổ, mặc dù trời đã nhá nhem tối mà chưa thấy trâu ở đâu. Linh tính mách bảo chắc là có chuyện chẳng lành. Tôi phải cầu khấn ở một ngôi mộ cổ, khi chưa kịp khấn xong, bất thình lình đàn trâu ở đâu xuất hiện, con nào con đấy bụng no căng tròn”.
Đền thờ vua Lê Lợi nằm giữa cánh đồng. (Ảnh: Hà Sơn)
Tiếng lành đồn xa, chính vì vậy mà mỗi lần lạc trâu, bò là người dân lại đến đây cầu khấn, và thực tế ít khi “ngài” từ chối giúp đỡ. Không biết sự huyền bí, linh thiêng của khu mộ này đến nhường nào?. Tuy nhiên khu mộ này đã gắn bó với cư dân từ bao đời nay như một nét tâm linh. Đồng bào dân tộc Thái quan niệm “vạn vật hữu linh”, người chết ở một thế giới khác xong vẫn hướng về thực tại. Vì vậy mà khi Lang đạo qua đời, các cô gái là nô tì đang còn trinh tiết sẽ phải chôn theo để hầu hạ.
Từ những câu chuyện “thực hư” đó mà đồng bào cho rằng, khu mộ cổ này thường xuất hiện linh hồn trinh nữ. Họ chính là các cô nô tì trung thành, bởi trước khi chết họ còn được tắm bằng mười loại hoa rừng. Hầu hết các cô gái này đều xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, nên họ mới phải bán thân mình cho Lang đạo.
Sau khi hòa bình lập lại đất nước ta bước sang một trang sử mới. Việc bài trừ mê tín dị đoan và bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể trong các bản làng được chú trọng. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng làm đường, một số hòn đá trong khu "nghĩa đia" này đã bị lấy đi làm cầu, đắp đập, để phục vụ cho các công trình dân sinh.
Ông Hà Văn Iêng - Bí thư chi bộ bản Hiềng cho hay: “Khu mộ đá đã có từ xa xưa. Chúng tôi đã làm tờ trình lên cấp trên để xây dựng phương án nghiên cứu nguồn gốc, giữ gìn bảo tồn, đồng thời xin công nhận di tích lịch sử văn hóa. Trong những năm gần đây một số ngôi mộ bị đào trộm nên hiện tại việc bảo vệ mộ đá là rất khó khăn.”.