Tại những nơi này, tùy theo khẩu vị, du khách tha hồ chọn lựa loại thanh trà vị ngọt và chua. Nhưng để không nhầm, cần nếm thử trước khi mua.
Thanh trà được bày bán bên chân dốc cầu Cần Thơ (phí bờ Vĩnh Long).
Thanh trà tuy là loại trái cây dân dã, nhưng có sức quyến rũ lạ thường đối với mọi lứa tuổi vì hương vị chua ngot, thơm ngon đặc trưng của nó.
Đối với lứa tuổi “teen”, còn gì thích thú cho bằng thanh trà chín chấm muối ớt. Cầm trái thanh trà chín trong lòng bàn tay “vò” cho trái mềm, lột vỏ chấm vào chén muối ớt. Vị chua, ngọt, thơm của thanh trà; vị mặn, cay của muối ớt, và những cái “hít hà” vì cay nồng lên lỗ mũi, thật thú vị!. Đối với các bà nội trợ miền Tây, trái thanh trà sống không thể thiếu trong món canh chua truyền thống Nam bộ. Chỉ cần hái trái thanh trà còn xanh cho vào nồi nước sôi nấu chín, cho vào vợt lược giầm lấy chất chua bỏ hạt, kế đến cho các nguyên liệu (cá lóc, cá ngát, tép,.v.v..) vào thì có được tô canh chua ngon lành!
Thanh trà giầm nước đá, món ngon giải nhiệt ngày hè.
Mứt dẻo thanh trà chua ngọt hấp dẫn.
Vị chua thanh của trái thanh trà khác hẳn vị chua của me chín. Riêng, đối với những người lớn tuổi, thích nhất là món: thanh trà chín giầm nước đá. Dùng dao bén gọt bỏ vỏ thanh trà, cho cơm thanh trà vào ly (khoảng 2 trái) cùng vài muỗng đường cát, một tí muối bọt (cho có hương vị đậm đà). Lấy muỗng cà phê giầm cho cơm thanh trà nhừ ra với đường. Cho thêm tí nước vào khuấy cho hòa tan. Cuối cùng, bỏ vài viên đá vào là ta có được món thanh trà giầm đá giải nhiệt tuyệt hảo!. Dùng muỗng múc miếng thanh trà cùng nước cho vào miệng nhai.. Vị chua, ngọt của thanh trà, mát lạnh của nước đá như lan tỏa vào cổ họng, xua tan sự mệt nhọc và nóng nực ngày hè…
Cây trái nào cũng có mùa, muốn có trái thanh trà thưởng thức sau khi hết mùa, còn cách chế biến khác nữa là: làm mứt. Tuy hơi nhọc công một chút, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Chỉ cần mua vài ký thanh trà chín về nhà rửa sạch, gọt thành từng miếng như gọt xoài (để cả vỏ), bỏ hạt, theo phân lượng cứ một ký cơm thanh trà trộn vào ½ kg đường cát trắng cho hòa tan. Cuối cùng cho hỗn hợp vào nồi và đặt lên bếp với ngọn lửa liu riu cho đến khi đường cô lại sền sệt, nhắc xuống để nguội cho vào keo ăn dần. Muốn để lâu không bị hư, nên cho vào ngăn lạnh. Thật tuyệt vời, sau bữa cơm, ta lấy món mứt thanh trà ra dùng như một món tráng miệng với nước trà!...
Thanh trà (còn gọi là sơn trà) là loài cây hoang dại mọc nhiều ở vùng núi Thất Sơn (An Giang), vùng rừng Phú Quốc (Kiên Giang), và nơi xã Đông Thành (Bình Minh – Vĩnh Long). Cây thanh trà trông giống như cây xoài, trái tương tự quả chanh, vỏ màu xanh, chín có màu vàng cam bóng láng, cơm mềm vị chua ngọt rất hấp dẫn và được mọi người – nhất là trẻ con – ưa thích. Thời vụ trái chín vào khoảng tháng giêng đến cuối tháng 3 âm lịch.