Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích cây cà phê đang dẫn đến rừng bị tàn phá, đất thoái hóa; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao; sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp.
Doanh nghiệp lẫn nhà nông đều đuối
Mặc dù có sản lượng cà phê robusta đứng đầu thế giới, Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường tiêu thụ. Diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp tăng nhanh, song việc tái canh cây cà phê đang gặp khó khăn cũng đang là vấn đề nan giải, dù đây là vấn đề cấp bách và rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Chỉ riêng về tái canh cây cà phê, phần lớn diện tích do nông dân tự chọn giống để trồng thì thời gian gần đây bộc lộ nhiều nhược điểm, có xu hướng bị thoái hóa. Trong khi đó, các hoạt động khoa học - công nghệ và khuyến nông chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sản xuất.
Diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo chiếm tỉ lệ khá lớn. Báo cáo từ các tỉnh Tây Nguyên cho thấy diện tích cà phê trên 20 năm tuổi, cần tái canh đến năm 2020 là gần 120.000 ha, song việc thu xếp nguồn vốn để trồng lại đang chưa có hồi kết khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn nhà nông đều đuối sức.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ chặt bỏ, trồng mới 90.000 ha cà phê già cỗi và ghép khoảng 30.000 ha. Trung bình, mỗi năm tái canh khoảng 15.000 ha.
Mặc dù Chính phủ, các bộ - ngành đã có nhiều giải pháp để tái canh hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo. Cụ thể, khi giá cà phê lên cao, nông dân không chịu tái canh, khi giá xuống thấp thì đua nhau chặt bỏ để trồng mới, tạo cơn sốt về giống nên buộc phải sử dụng cả giống kém chất lượng. Những vườn cà phê già cỗi chỉ cho năng suất từ 1,5-2 tấn/ha/năm, hầu như không có lãi nhưng để tái canh 1 ha cũng phải mất từ 150-200 triệu đồng thì nông dân không có vốn.
Gói tín dụng hỗ trợ nông dân lãi suất cao, muốn vay phải nằm trong vùng quy hoạch, trong khi có tỉnh như Đắk Nông chưa có quy hoạch nên nông dân không tiếp cận được vốn. Vì vậy, nông dân nên tập trung tái canh từng phần để tránh ảnh hưởng thu nhập.
Xuất khẩu: Kỳ vọng BCCE
Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cà phê nhưng vì phần lớn do DN nước ngoài mua xuất khẩu nên bị ép giá, kim ngạch chỉ đạt hơn 3,5 tỉ USD. Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE), người trồng cà phê robusta trên thế giới thu về khoảng 10 tỉ USD/năm. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới nhưng mỗi năm chỉ thu về hơn 3,5 tỉ USD.
Thực tế, trong tổng số các DN xuất khẩu cà phê tại Việt Nam thì DN nước ngoài chiếm tới một nửa và có bước đi rất bài bản, như: đầu tư các nhà máy chế biến, hỗ trợ tài chính, đào tạo, hướng dẫn người dân, sản xuất cà phê chất lượng cao, có chứng chỉ, chỉ dẫn địa lý.
Trong khi đó, các DN xuất khẩu cà phê trong nước gặp khó khăn, hạn chế về số lượng bạn hàng và thị trường quốc tế có hạn, sự đồng thuận của các DN chưa cao, dẫn đến cạnh tranh mua - bán. Hệ quả là hàng loạt DN, nhà thu mua cà phê trong nước phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Mới đây, trong khuôn khổ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, BCCE chính thức khai trương, được kỳ vọng là lời giải cho đầu ra của cà phê Việt Nam. Thông qua BCCE, cà phê được mua tận gốc từ nông dân và bán trực tiếp cho sàn giao dịch cà phê London - Anh, hứa hẹn thoát khỏi tình trạng bị ép giá.
“Giá cà phê trên thế giới trồi sụt thất thường, kinh doanh cà phê nhiều rủi ro, nếu DN “ôm” vào mà thị trường rớt giá là... chết. Các DN nước ngoài đang chi phối hoạt động xuất khẩu cà phê tại Việt Nam phần lớn hoạt động theo phương thức: công ty con ở Việt Nam, có pháp nhân ở Việt Nam, vay tiền đồng để thu mua cà phê xuất khẩu; công ty mẹ ở nước ngoài bán trực tiếp trên sàn London. Mô hình BCCE đi sau, học tập kinh nghiệm các DN nước ngoài trong lĩnh vực này.
Thông qua BCCE, giá cả sẽ được công khai, rõ ràng, tạo lòng tin cho những người giao dịch và nông dân yên tâm sản xuất. Gần 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk là từ cây cà phê, UBND tỉnh tham gia sâu và BCCE chính là một lời khẳng định với những người sản xuất, trồng cà phê: Từ nay, hoạt động giao dịch cà phê trên BCCE có nhà nước đứng sau lưng hỗ trợ” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo các DN, để BCCE hoạt động hiệu quả, trước hết phải tìm cách lôi kéo các đại lý kinh doanh cà phê, các công ty kinh doanh, rang xay cà phê và các ngân hàng giữ vai trò cầu nối cho giao dịch giữa các bên.
Liên kết để phát triển bền vững
Theo ông Trần Đức Thanh, để giải quyết bài toán phát triển cà phê vùng Tây Nguyên bền vững, các bộ, ngành, địa phương, DN và người dân cần liên kết để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển cà phê Việt Nam nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, chuyển giao giống, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến; hỗ trợ các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng cà phê; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hộ dân, giữa hộ dân với các DN, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất kinh doanh cà phê; hỗ trợ, đầu tư, trao đổi hàng hóa nhằm giảm áp lực về nhu cầu tài chính cho người dân, đặc biệt là hướng dẫn các hộ dân liên kết, hợp tác với nhau, với DN trong khâu bảo vệ sản phẩm, thu hoạch, phơi sấy, sơ chế cà phê... trên tinh thần tự nguyện cùng có lợi; liên kết để mở rộng thị trường nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.