Dân Việt

Thủy điện làm hại thiên đường du lịch

25/05/2011 12:18 GMT+7
(Dân Việt) - Từ khi các dự án thuỷ điện được triển khai xây dựng, Bản Hồ, Sa Pa, Lào Cai giống như một công trường dang dở, du khách dần vắng bóng.

Từ năm 2000, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã bắt đầu tận dụng thế mạnh có nhiều ghềnh thác đẹp để phát triển du lịch, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Nhưng...

Nằm cách trung tâm huyện Sa Pa chưa đầy 30km, nhưng đường vào xã Bản Hồ lầy lội bùn, đất dù chưa vào mùa mưa, lở đất và lũ quét. Xã có 5 dân tộc anh em chung sống là: Mông, Dao, Tày, Giáy và Nùng. Tuy là xã nghèo của huyện Sa Pa, nhưng thiên nhiên nơi đây đã ban tặng cho xã Bản Hồ những thác nước đẹp tạo lợi thế phát triển ngành thương mại, du lịch nông thôn như: Thác Cá Nhảy, Séo Trung Hồ…

img
Vắng khách du lịch, phụ nữ xã Bản Hồ ở nhà trông con.

Ngậm ngùi đặc sản "ở trọ nhà dân"

Trên đường đến Bản Hồ, chị Nguyễn Thị Hường, một trong những hướng dẫn viên du lịch có thâm niên ở vùng đất này, giới thiệu, mấy năm trước "homestay" (cho du khách ở tại nhà dân) là "đặc sản" của địa phương. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, hình thức du lịch này không còn "thịnh" nữa. Chị Hường dẫn chúng tôi vào bản Dền- trung tâm du lịch văn hóa của xã. Con suối Mường Hoa và La Ve nước không còn cuồn cuộn chảy như mấy năm trước , giờ nước đục ngầu màu đất đỏ.

Theo đánh giá của UBND huyện Sa Pa, Bản Hồ hiện vẫn là xã nghèo với nguồn thu chủ yếu là từ nông lâm nghiệp và du lịch. Từ năm 2000, hình thức du lịch "homestay" bắt đầu manh nha và tạo những diện mạo mới cho địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2008 hình thức du lịch này chững lại vì việc triển khai xây dựng các công trình thủy điện.

Năm 2008, lượng du khách đến địa bàn xã là 4.912 lượt người (giảm 828 lượt khách so với năm 2007) với doanh thu đạt gần 175 triệu đồng. Năm 2009, dù đạt mục tiêu phấn đấu 5.000 lượt khách với doanh thu 175 triệu đồng, nhưng kết quả đã không đạt. Và đến năm 2010, khách du lịch cả trong và ngoài nước vắng bóng hơn nữa...

Bao giờ trở lại… ngày xưa?

Nhiều du khách giờ không hài lòng với cảnh quan thiên nhiên ở Bản Hồ do nhà dân đã được bê tông hoá hết, rồi các công trình thuỷ điện xen lẫn trong bản, việc nổ mìn phá đá làm lở đất khiến suối nước bị ô nhiễm, vẩn đục, cây rừng bị tàn phá...

Theo ông Lý Láo Tả - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ: "Hình thức du lịch "homestay" từng là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế và thay đổi đời sống đồng bào dân tộc ở đây, nhưng hiện chỉ có khoảng từ 30- 50 ngôi nhà sàn có đủ điều kiện phục vụ du khách trong và ngoài nước".

Trước thực trạng xây dựng thủy điện phá vỡ cảnh quan du lịch ở xã Bản Hồ, Sở VHTTDL Lào Cai đã đề nghị các cơ quan có liên quan, các cấp trước khi phê duyệt xây dựng thuỷ điện cần gửi hồ sơ về Sở để thẩm định, đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuỷ điện đối với đời sống, văn hoá, xã hội nơi được xây dựng.

Việc xây dựng các thủy điện thiếu những tính toán khoa học, toàn diện đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống đồng bào ở đây. Khi chưa xây dựng thuỷ điện, nhờ làm du lịch, đời sống bà con dần khấm khá lên. Các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ... mang lại nguồn thu đáng kể cho dân bản.

Điều quan trọng là không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, mà các hoạt động phục vụ du lịch còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền văn hóa các dân tộc trong xã. “Có thủy điện là tốt, nhưng cũng nên tính đến lợi ích cộng đồng một cách toàn diện" - ông Lý Láo Tả trăn trở.

Được biết, UBND huyện Sa Pa cũng đã có báo cáo đánh giá tác động tới môi trường của một số dự án thuỷ điện trên địa bàn xã Bản Hồ. Trong đó nhấn mạnh, một số công trình thuỷ điện đang thi công đều có vi phạm về việc xử lý chất thải rắn, gây ô nhiễm nguồn nước và nguy hại cho môi trường...