Dân Việt

Cây sao Nam bộ

Nguyễn Hữu Hiệp 16/03/2015 19:00 GMT+7
Sao là loại cây thân mộc, suôn thẳng, cao 20 – 30m, vỏ nứt rạn dọc theo thớ màu đen, da có địa y lúm đúm trắng. Phải chăng chính vì thế nên có tên là sao? Hay do đây là loại cây tương loại với cây dầu nên nó có tên là sao: “dầu sao” - một kiểu đặt gọi ngộ nghĩnh của dân gian Nam Bộ.

Cũng theo dân gian, có cái “chung” thì ắt có cái “ly”, lại có “tách” (đựng đồ uống); có cái “bò” thì có cái “lết”, (dụng cụ bắt cá), rồi chất “chà”; có “gươm” thì có “đao” (vật dụng nhà máy xay lúa); có “đòn mỏng” thì có “đòn dày” (cầu tạm bắc từ ghe dưới sông đặng đi lên bờ); trong đồng có “đầm” thì cũng có “đìa”; có con “lươn” thì có con “lịch”, rồi con “trình”; cất nhà, hễ có “mầm” thì phải có “móng”…

Cũng giống như cây dầu, cây sao tuy cành nhánh ít và không đối xứng nhưng phần ngọn nó bao giờ cũng có hình chóp nhọn, lá cứng hình trái xoan, mặt trên láng bóng, mặt dưới mịn, cuống lá rất ngắn. Sao trổ bông vào tháng Ba âm lịch, nhưng chu kỳ của nó không phải là trong một năm như các loại cây khác, mà thường là hai năm, tức cách một năm nó mới trổ bông một lần (có khi lâu hơn, chẳng rõ vì sao?).

img
Cây sao cao. (Ảnh: Hữu Hiệp)

 

Bông sao nhỏ mọc thành chùm màu trắng, có mùi thơm nhẹ, trái nhỏ, có hai thùy, phát triển thành hai cánh lớn đối xứng dài khoảng 5 – 6cm, khi rụng vừa rơi vừa quay tròn như chong chóng trông rất đẹp mắt. Cây sao mọc tự nhiên trên đất núi, nhiều nhất là các núi Ngất Sum, Chân Sum (gần kinh Vĩnh Tế), hoặc đất giồng phù sa cổ , có nơi mọc thành rừng, như ở Cù lao Cây Sao (sách viết là Châu Sao Mộc hay Châu Tiêu Mộc - tên trước của Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới) và rải rác một số nơi khác mà cho đến nay vẫn hãy còn lưu dấu qua  tên gọi rất thân thương: Cả Sao hay Cái Sao, hoặc Đồng Kô Ki (tên cũ của xã Khánh An, huyện An Phú - Kô Ki tiếng Miên có nghĩa là cây sao). Ở An Giang có câu ca dao rất quen thuộc:

"Chiều chiều quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm."

Ý nghiã đích thị của nó ?

Ta biết, so với các vùng khác trong khu vực, Cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang) là nơi được người lưu dân đến khai phá từ rất sớm. Văn chương bình dân thông qua con đường truyền khẩu cũng theo đó mà xuất hiện.

Nó xuất hiện song hành với biết bao cảm nhận buổi ban đầu; một xứ sở lạ lùng, một cảnh quan vắng lặng, mà thỉnh thoảng lại thình lình bị đột phá bởi tiếng kêu vang lanh lảnh, hoặc như gầm thét giận dữ, hoặc như than oán não nề của những loài động vật hoang dã vọng lại từ rừng sâu.

Trước ý chí sắt đá và bàn tay lao động cật lực của những người đi khai hoang, ngôn ngữ của rừng rú và chướng khí khắc nghiệt ở vùng nê địa, cho dù có đe dọa mạng sống đến mức hiểm nghèo; hay từng ngày, từng đêm người lưu dân phải thường xuyên đương đầu với hiểm họa “hùm tha sấu bắt”… cũng không thể làm họ chùn bước. Bàn tay nối tiếp bàn tay, giang sơn bất khả xâm phạm ngày nào của ác thú cứ bị tấn công, lấn dần, lấn dần mãi…

Ca dao dân ca truyền khẩu chính là một phương tiện thông tin đặc thù trước khi phát triển hoàn chỉnh nền văn học chữ viết. Nó phản ánh mọi trạng thái tình cảm bức xúc của con người, cũng có khi là một sự cô đặc những kinh nghiệm sống tích lũy được từ mồ hôi, nước mắt và cả máu trong suốt quá trình thôn thuộc.

Cây sao đã được truyền tụng từ bao đời nay. Trước hết có thể nó xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, tức sau ngày Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, bình định được giặc Cao Man trở về dừng quân ở đây. Nhưng dường như lâu ngày câu hát trên không còn đúng với nguyên thủy, mà đã biến đổi ít nhất là một từ (tiếng). Sự biến đổi cố tình ấy được dễ dàng chấp nhận của đời sau, vì nghe qua ai cũng cảm nhận là hợp lý, nhất là cũng phù hợp với cảnh quan và điều kiện mới của lịch sử.

Cứ vào nội dung, ta thấy vấn đề cá tôm ở Cù lao Ông Chưởng không phải là quá nhiều đến mức “phải nói” như là một thứ phương vật vượt trội. Bởi một trong những “nguyên tắc” hình thành địa danh ngày xưa là, dựa vào đặc tính vượt trội của thố sản địa phương mà đặt ra, như “Sốc Chét” (nơi có nhiều chuối – sốc là xóm; chét là chuối, thổ âm người Khơ me); “Cái Xoài” (nhiều xoài); “Trà Thôn” (thôn có nhiều cây trà? – bà con trong vùng rất thích trồng loại “trà kiểng” này làm hàng rào trước nhà, nay do mở rộng lộ giới nên hầu hết đã bị phá bỏ, tuy nhiên vẫn còn thấy đôi nhà trong vùng còn trồng, được cắt tỉa rất đẹp). Ở Cù lao Ông Chưởng, còn thấy sử đề cập đến vấn đề cá ở sông Tú Điền như sau: “Mùa Thu mùa Đông có thể đi thuyền, mùa Xuân mùa Hè nước cạn, người ta đắp đê để bắt tôm cá” (sđd).

Như vậy, cá tôm ở Cù lao Ông Chưởng (Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh) ngày trước chỉ nhiều một cách bình thường như ở mọi nơi, không đáng để ca tụng. Thế thì câu hát muốn nói lên điều gì? Nhất định nó phải phản ánh một sắc thái đặc trưng nào đó của địa phương.
img
Gỗ sao giỏi chịu nước, nên hàng ngàn bè nuôi cá trên sông nhứt thiết phải đóng bằng loại gỗ này. (Ảnh: N.H.H)
Như mọi người đều biết, trước khi mang tên Cù lao Ông Chưởng, “cương thổ” này đã có tên là “Châu Sao Mộc” hay “Châu Tiêu Mộc”, nghĩa là nơi có nhiều cây sao/rừng sao. Người địa phương gọi nôm là “Cù lao Cây Sao” hay “Cù lao Sao Mộc”, hoặc “Cái Sao” (tên này ít gọi hơn vì dễ nhầm lẫn với Cái Sao ở vùng Long Xuyên, và nhiều địa phương khác).
 
Qua tìm hiểu trong các lần điền dã, ông già bà cả và những người chuyên nghề đóng ghe xuồng tại địa phương đều xác nhận ở Cù lao Ông Chưởng ngày trước có rất nhiều sao đá và sao chân tôm là những loại rất cứng, dẽo, búa rìu không dễ đốn ngã. Phối kiểm, ta thấy hoàn toàn đúng như sử sách đã ghi nhận: “Sao có bốn thứ là sao xanh [tức sao đen], sao vàng, sao chân tôm [tức sao bả mía] và sao đá, đều là thượng phẩm, lớn 4, 5 vây, cao trăm thước, sớ thịt bền chặt, dùng làm ghe thuyền, nhà cửa là đệ nhất; có quốc cấm dân gian không được dùng” (Gia Định thành thông chí ).

Ở Nam Bộ không chỉ có đủ bốn loại sao trên, mà còn có cả sao đẻn nữa. Ta hiểu, “quốc cấm dân gian không được dùng” là không được đốn chặt “sao rừng”, vì đó là nguyên liệu quý của quốc gia, cần phải bảo vệ để dùng vào việc công – xây dựng công trình công ích hoặc đóng thuyền chiến chẳng hạn. Do vậy nên tuy vẫn biết trồng sao phải mất năm, bảy mươi năm mới có thể thu hoạch, không ít người đã mạnh dạn trồng phân tán quanh vườn nhà để chi dụng, vì gỗ sao rất chắc cứng và dẻo lại bền, nên người ta xem đó là loại gỗ đặc dụng để đóng ghe thuyền.

Sát nghĩa của câu hát (nguyên thủy) nói lên sự lo toan của lũ diều quạ vào thời kỳ người lưu dân đến đây khai phá. Rừng bụi cứ ngày một thưa thớt dần, dẫn đến nguy cơ chim muông không còn nơi trú ẩn. Kịp khi có lệnh triều đình cấm dân chặt đốn các loại sao (cụ thể tại cù lao này, nơi mà ngày xưa Gia Định thành thông chí đã ghi là vùng “ác địa”, còn Đại Nam nhất thống chí thì mô tả “đều là rừng rậm”), quạ không thể không trấn an diều rằng “Đừng có lo! Dù sao Cù lao Ông Chưởng cũng còn nhiều cây sao đá và cây sao chân tôm!” - là hai loại sao không mấy thích hợp trong việc đóng ghe thuyền vì sao đá rất cứng và nặng, còn sao tôm thì thịt xốp, bào không láng, cứ xước ngược như “chân tôm”, lắp vò rất hao chai lại dễ thấm nước, bị chê, không chặt đốn nên còn nhiều. Vậy nguyên thủy câu ca dao trên có thể là:

"Chiều chiều quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng còn nhiều đá tôm."

Về sau, do nơi đây không còn nhiều cây sao, thậm chí đã bị đốn sạch bởi như vừa mới nói ở trên, triều đình có chủ trương khai thác toàn bộ rừng sao để lấy gỗ đóng thuyền chiến cho quân đội vào “Tháng 7 năm Canh Tý (1780) vua Thế Tổ Cao Hoàng Đế năm thứ 3 khiến các đội quân đốn lấy gỗ sao để làm sư thuyền” (Gia Định thành thông chí), dần dần cảnh quan mới đã làm phai mờ hình ảnh của rừng sao đậm đặc thuở xa xưa.

img
Các loại ghe tàu đều dùng gỗ sao sông lớn.
Giới đóng ghe xuồng ở An Giang phân sao ra làm hai loại là sao sông lớn và sao vườn.

Sao sông lớn là sao rừng, lá lớn có lông, mọc nhiều ở miệt biên giới, thợ rừng đốn ngã rồi trẩy sạch cành nhánh, để nguyên hay đoạn ra thành hai khúc nếu quá dài, gọi cây súc, kết bè thả trôi sông lớn theo dòng Tiền Giang, đem về cung cấp cho các trại mộc vùng Chợ Thủ dài xuống Mỹ Luông  (chuyên đóng giường chỏng, bàn tủ ghế), hoặc đóng ghe thuyền (phía Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ), đều thuộc huyện Chợ Mới nay. Ca dao địa phương:

 "Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước,
 Ngó về sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
 Anh thương em ruột thắt gan bào,
 Biết em có thương lại chút nào hay không!"

Còn sao vườn là sao trồng sau vườn nhà, cây nhỏ hơn, lá nhỏ và không có lông, cũng không “có tuổi” bằng sao sông lớn, nên không giá trị bằng, nó chỉ được dùng đóng xuồng hoặc ghe trọng tải nhỏ.

Do đặc điểm to cao và sống thọ nên sao là một trong những loại cây được chọn trồng làm cảnh tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo như đình, đền thờ, chùa, miếu… Cũng nhờ những “chòm sao” cao ngất ấy mà dân làng mỗi khi đi xa về, hay đi làm đồng về tối có thể nhìn nương theo đó mà nhắm hướng về nhà, không bị lạc. Chính vì thế nên sao là một trong những loại cây vô cùng thân thương đối với cư dân miền thôn dã.

Rõ ràng, ở miền Trung và miền Đông vẫn có cây sao, nhưng không nhiều chủng loại và cũng không đặc biệt tốt như ở châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, An Giang nói riêng.