Đây là phát biểu của ông Ngô Trí Long- nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý giá cả (Bộ Tài chính) tại cuộc tọa đàm “Kiên trì điều hành giá theo thị trường, nhìn từ giá xăng và giá điện” diễn ra chiều 16.3.
“Người tiêu dùng phải gánh chịu”
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lên tiếng “trấn an”: Phương án tăng giá điện 7,5% là thấp nhất trong các phương án mà EVN đề nghị cũng bởi tính đến tác động tới “sức chịu đựng” của người dân và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế. EVN đã công bố các chi phí, yếu tố giá thành tác động đến giá điện.
Phản biện lại ý kiến này, ông Ngô Trí Long vẫn nhìn nhận: Giá thành điện thực tế rất phức tạp. Muốn xác định giá thành điện phải có các cơ quan chuyên môn độc lập đánh giá thật kỹ. “Vấn đề là ngành điện còn làm ăn chưa hiệu quả. Các đầu tư ngoài ngành thua lỗ, quản trị kém, bộ máy cồng kềnh đã được tính cả vào giá thành điện mà người tiêu dùng đang phải gánh chịu”-ông Long quả quyết.
“Giá thành của ngành điện hiện nay vẫn chủ yếu do EVN báo cáo, Bộ Công Thương xem xét dựa trên báo cáo đó và thường là đồng thuận theo EVN mà ít khi đứng về phía quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, để tránh bức xúc, không đồng thuận của người dân mỗi khi tăng giá điện thì EVN cần có một cuộc đại phẫu về cách tính giá điện với những người có chuyên môn và có một cơ quan độc lập đứng ra đánh giá”- ông Long nói.
Không chỉ giá điện, việc giá xăng dầu tăng tới hơn 1.600 đồng/lít hôm 11.3 vừa qua cũng bị cho là quá cao và bất hơp lý. Giá xăng dầu lại tăng cùng đồng thời với giá điện khiến cho người tiêu dùng “không kịp thở”. Ông Nguyễn Anh Tuấn đã lý giải đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì giá xăng dầu vào kỳ điều chỉnh... Còn ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì phân bua: Giá xăng đúng ra phải tăng 3.500 đồng/lít mới phản ánh đúng giá cơ sở mặt hàng này từ tết đến nay. Ông Quyền cho hay, giá xăng lẽ ra phải tăng 2.400 đồng/lít thời điểm Tết Nguyên đán nhưng các doanh nghiệp khi đó buộc phải giữ giá, sử dụng dùng Quỹ Bình ổn bù đắp và tính gộp với chênh lệch giá cơ sở với giá xăng dầu bán ra ngày 11.3 là 1.000 đồng/lít nữa thì tăng 1.600 đồng/lít là phù hợp. Giá xăng vẫn còn 1.800 đồng/lít phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá bù đắp...
Ông Quyền cũng cho rằng, với 15 lần giảm giá xăng (hơn 10.000 đồng/lít, giảm khoảng 40%) thì so với việc giá xăng tăng 1.600 đồng/lít mới đây, mức độ giảm vẫn đang lớn hơn mức độ tăng, tác động tích cực với xã hội vẫn là tốt.
CPI tăng là khó tránh
Với giá điện, xăng dầu tăng lên, ông Tuấn nhìn nhận: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên trong tháng 3 và 4 tới đây là khó tránh. Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng theo sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu. Các ngành buộc phải kê khai giá sẽ không cho điều chỉnh giá theo giá xăng, điện nếu các yếu tố đầu vào không được làm rõ. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý.
Ông Võ Văn Quyền khẳng định: “Điện, xăng dầu tác động đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội nên sẽ vẫn phải có sự điều tiết của Nhà nước. Tăng hay giảm giá các mặt hàng này đều đã phải tính đến yếu tố tác động giá cả này, nhưng vẫn phải đi theo tín hiệu của giá thị trường”- ông Quyền khẳng định thêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, với giá điện tăng 7,5% hiện nay thì ngành điện vẫn còn các khoản lỗ treo lại, phải tính toán để hạch toán cho các năm sau. “Giá điện, xăng dầu tới đây vẫn phải theo chỉ đạo của Chính phủ. Khi các khoản lỗ của EVN được hạch toán hết, lúc đó giá điện mới có thể “thị trường hóa” thực sự được”- ông Tuấn nói.