Khách đến nhà không gà thì vịt. Từ lâu, người bình dân miền sông nước đã có nhận thức như vậy. Vịt, gà là những thứ thường dùng làm thịt chế biến các món ăn đãi khách khứa, bạn bè. Mỗi khi nhà có giỗ, chạp thịt vịt cũng góp phần không nhỏ trong các món ăn: lòng vịt xào khóm, thịt vịt xào gừng, vịt luộc trộn chuối ghém,… Và có một món dân dã lại hết sức độc đáo mà người dân miệt Sóc Trăng – Bạc Liêu hay chế biến: thịt vịt hấp lá bầu!
Giàn bầu bên sân nhà (ảnh: tác giả)
Kêu tên như vậy, nhưng thành phần chính làm nên món ăn này không phải là thịt mà chủ yếu là xương. Đầu, giò, cánh, những miếng da cổ, … tất cả được đem bằm thật nhuyễn, rồi nêm nếm nước mắm, tiêu, hành, … cho vừa ăn. Có chỗ sang hơn thì thêm ít nấm rơm, nấm mèo hay củ hành tím, ... vào để bằm chung.
Thịt bằm xong, để chờ thấm. Người ta ra giàn bầu sau nhà hái những lá vừa ăn, đem vào rửa sạch rồi gói thành những miếng hình vuông. Thịt vịt để gọn vào trong, trước khi khép lá lại, nhiều người cho thêm ít hột tiêu hay hột đậu phộng rang đã bóc vỏ.
Thịt gói xong, xếp lên xửng và bắc lên nồi nước hấp cách thủy. Hơi nước làm cho thịt, lá chín, mùi thơm lựng bốc lên. Gắp những miếng thịt vịt gói lá bầu hấp xếp ra đĩa.
Thịt vịt bằm gói lá bầu, hấp (ảnh: tác giả)
Làm ít nước chấm bằng tương xay nhuyễn trộn với đậu phộng rang đâm nát, ít ớt, sả xắt nhỏ. Người ưa béo còn cho vào đây miếng nước cốt dừa vừa vắt. Cũng có người thích chấm với nước mắm chanh, ớt, tỏi đâm,…
Vị bùi của lá bầu kết hợp với vị ngọt của xương, thịt bằm, vị cay của tiêu, ớt, vị béo của mỡ, của nước cốt dừa hòa quyện làm cho món ăn vừa ngon miệng vừa thể hiện sự tổng hòa trong cách chế biến trong nghệ thuật ẩm thực dân gian.