Dân Việt

Xoài, nhãn, vải sẽ vào Mỹ

26/05/2011 05:23 GMT+7
(Dân Việt) - Sau chôm chôm, thanh long, đến lượt xoài, nhãn, vải, vú sữa sẽ được xuất khẩu vào Mỹ.

Trong khuôn khổ Hội đồng TIFA (Hiệp định khung về thương mại và đầu tư) giữa VN và Mỹ diễn ra ngày 23.5 tại thủ đô Washington, hai bên đã thỏa thuận "mở cửa" cho một số loại nông sản.

Nhà nông được lợi

img

Ông A Sị ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) với những trái xoài sản xuất theo chuẩn VietGAP.

Ông Phan Quốc Nam - Giám đốc Công ty Long Uyên (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) khẳng định, việc Mỹ chấp thuận cho một số trái cây được xuất tươi sang thị trường này góp phần làm uy tín trái cây Việt tăng lên đáng kể. Theo đó, người “hưởng lợi” đầu tiên chính là nông dân.

“Ngay sau khi Mỹ chấp thuận cho nhập lô hàng chôm chôm tươi vào tháng 5, giá mua tại vườn đã tăng lên đáng kể. Hiện chúng tôi đang mua với giá 12.000 đồng/kg trong khi năm ngoái giá chôm chôm chỉ từ 6.000 - 8.000 đồng/kg” - ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, xoài, nhãn, thanh long và vú sữa đều là thế mạnh của ĐBSCL. Lâu nay, thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu rất ưa chuộng.

Hiện xã viên của HTX vú sữa Lò Rèn (Châu Thành, Tiền Giang) đang trồng gần 3.000ha vú sữa Lò Rèn với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Trong số này, có 60ha đã được chứng nhận Global GAP, chờ cấp mã số để đi Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Ngàn - Chủ nhiệm HTX, nếu Mỹ chấp thuận nhập vú sữa tươi sẽ là một lợi thế rất lớn. “Hiện mỗi ha vú sữa cho lợi nhuận khoảng trên dưới 200 triệu đồng/năm. Nếu được đi Mỹ, chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng lên” - ông Ngàn nói.

Tiềm năng lớn

Ông Đỗ Thành Hiếu - có kinh nghiệm trồng xoài hơn 10 năm, ở ấp 7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ: “Mấy năm nay trồng xoài chủ yếu bán cho thương lái nên giá rất bấp bênh. Có lúc xoài thu hoạch rộ, mà giá chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng có lúc hút hàng giá lên đến 80.000 đồng/kg. Nay nghe tin xoài chuẩn bị được xuất đi Mỹ, nhà vườn rất mừng, vì giá sẽ ổn định hơn, lợi nhuận từ cây xoài cũng sẽ cao hơn”.

Việc các loại trái cây của VN liên tục được cấp chứng nhận đi các thị trường khó tính là Mỹ như một liều “doping” kích thích nhiều nông dân đầu tư mạnh hơn cho sản xuất. Nhiều người mạnh dạn đầu tư tiền bạc và công sức để trồng nông sản theo mô hình VietGAP và Global GAP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Bà Huỳnh Thị Nhỡ (ngụ xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang) - đang canh tác 0,6ha vú sữa Lò Rèn cho biết, lâu nay kinh tế gia đình bà khá ổn định nhờ vườn vú sữa này. Dù sau khi thu hoạch chỉ bán hàng chợ, nhưng bà vẫn mạnh dạn đầu tư trồng theo mô hình Global GAP và đã được cấp giấy chứng nhận 2 năm nay.

“Chúng tôi tranh thủ làm trước theo đúng chuẩn quốc tế, chỉ cần có đầu mối tiêu thụ là sẽ có ngay hàng để cung ứng mà không phải bỡ ngỡ” - bà Nhỡ nói.

Ông A Sị - một nông dân người Đài Loan đang canh tác 7ha xoài ở xã An Thạnh Nhứt (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), cho biết lâu nay ông sản xuất đúng chuẩn VietGAP và tiêu thụ khá tốt ở thị trường nội địa. Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu, ông sẵn sàng cung ứng sản phẩm.

TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết, cho đến nay chỉ mới có thanh long của Bình Thuận là loại trái cây “tiên phong” đi Mỹ (năm 2008 – PV), sau đó là trái chôm chôm của Bến Tre.

“Điều kiện xuất trái cây sang Mỹ tưởng như khó mà lại không khó. Vì họ chỉ yêu cầu theo chuẩn VietGAP và có chiếu xạ. Mà điều này thì nhiều nhà vườn đã áp dụng mấy năm nay. Chỉ cần họ “mở cửa”, chắc chắn trái cây của chúng ta sẽ xuất được”.

Cũng theo TS Châu, hiện trái cây tươi đi Mỹ số lượng vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng.