Thời nào cũng có những nhân vật xuất chúng của trấn Hải Dương đỗ đạt làm quan ra giúp dân, giúp nước. Điển hình như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài tiên đoán sự việc trước 500 năm, hay lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, nhà toán học lỗi lạc trong lịch sử Vũ Hữu, nữ tiến sĩ đầu tiên của cả nước Nguyễn Thị Duệ…
Cổng tam quan uy nghi, bề thế. (Ảnh: Luyện Bùi)
Với truyền thống khoa bảng, hiếu học nơi đây đã xây dựng và tu tạo "Văn Miếu" Mao Điền làm nơi tôn vinh đạo học tỉnh Đông (tỉnh Hải Dương). Tên văn miếu được ghép từ ý nghĩa vị trí địa lý nơi xây dựng: Mao nghĩa là cỏ lau, Điền nghĩa là ruộng. Như vậy, từ xa xưa Mao Điền là "Văn Miếu" được xây dựng từ một vùng đất bằng phằng có nhiều cỏ lau. Ngày nay, xung quanh nơi đây vẫn là cánh đồng của người dân cấy lúa, thuộc địa giới xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương.
"Văn Miếu" Mao Điền là một công trình uy nghi, bề thế và thâm trầm cổ kính với thời gian. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, mái cong vút chạm trổ hình rồng phượng áp sát vào nhau. Kiến trúc xây theo kiểu chữ Nhị, rộng 10 mẫu ( 3,6 ha), các hạng mục được quy hoạch đẹp mắt, cân đối, hài hòa từ trong ra ngoài.
Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Hai bên vách treo danh sách 637 vị tiến sĩ quê Hải Dương đỗ đạt trong các thời kỳ khoa cử Việt Nam.
Sảnh chính của văn miếu với gian nhà giữa và gác chuông, gác trống hai bên, ở sân có cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Luyện Bùi)
Ngoài có đài nghiên, tháp Bút, Nghi Môn, Thiên Quang Tinh, Khái Thánh thờ thân Phụ và thân Mẫu của Khổng Tử. Tiếp đến là gác Chuông, gác Trống đối xứng với nhau và nằm ở phía hai đầu hồi dãy nhà giải vũ.
Theo tục xưa, tiếng chuông, tiếng trống là tiếng tập hợp các học trò khi thầy có việc cần hoặc để báo giờ nghỉ. Lầu chuông, lầu trống được kiến thiết theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái hoàn toàn bằng gỗ lim. Không dùng nhiều họa tiết trang trí cầu kỳ mà nhìn vẫn đẹp một vẻ đẹp mềm mại uyển chuyển. Kiến trúc thiết kế lầu chuông, lầu trống ở đây có dáng dấp giống thủy đình dùng làm nơi múa rối nước. Bên cạnh hai lầu chuông, trông là hai hồ nước trong xanh, soi bóng cây gạo già. Ở có một cây gạo cổ thụ hơn 200 tuổi, đây là cây lưu niệm được trồng trong đợt kiến thiết lại văn miếu năm 1801, dưới thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn.
Phía ngoài cùng là cổng tam quan xây dựng vững chắc, quy mô lớn và thiết kế cầu kỳ, phía trên là khuê văn các có kiến trúc giống với khuê văn các ở Văn Miếu Quốc Từ Giám.
Trước kia hàng năm vào ngày "Đinh" (T) đầu tháng "trọng xuân" (tháng hai) và "Trọng thu" (tháng tám), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sỹ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống "Hiếu học và tôn sư, trọng đạo" của người tỉnh Đông. Việc tế lễ diễn ra trang nghiêm, long trọng và rất đông vui.
Các sĩ tử khắp nơi đều về tham dự và cùng với người dân chuẩn bị cho quá trình tế lễ một cách chu đáo và nhiệt tình.
Ngày nay, để khuyến khích truyền thống hiếu học và tôn vinh những hiền tài của xứ Đông, cũng tại nơi này tỉnh Hải Dương tổ chức ngày lễ khuyến học, khuyến tài trao thưởng cho những người đạt các thành tích cao trong các kỳ thi cử trong nước và quốc tế để gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của mảnh đất xứ đông địa linh nhân kiệt.