Cách đây 10 năm, tôi từng gặp ông Thưởng, khi đó ông mới khởi nghiệp trồng hoa hồng tại TP.Sơn La. Người đàn ông quê ở Mê Linh (Hà Nội) luôn sôi nổi, nhiệt tình, ấp ủ dự định táo bạo, không ngại gian khó đó khiến ai mới gặp lần đầu cũng khó có thể quên. Lần trở lại đất Sơn La này, gặp lại ông Thưởng mới biết, ông đã có công lớn khi đánh thức tiềm năng của cả một vùng đất rộng lớn ở xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La.
“Nà” hoa trên đất lúa
“Nà” theo tiếng Thái tức là ruộng. Trước đây khu ruộng tốt bời bời này của xã Chiềng Xôm chỉ trồng lúa, trồng rau. Mỗi năm 2 vụ, bà con làm quần quật cũng chỉ lo được cái ăn qua ngày. Ngày đầu ông Thưởng đến xã, vào bản Tông đề đạt nguyện vọng muốn thuê đất của bà con trồng hoa hồng. Lời ông chưa kịp dứt, từ lãnh đạo bản đến bà con đều từ chối. Đơn giản là bà con lo cho thuê ruộng lấy gì mà ăn. Dù điều kiện ông Thưởng đưa ra vô cùng hấp dẫn: Tôi thuê ruộng trả bằng sản lượng thóc thu được hàng năm của bà con, cái lợi đó ai cũng thấy, nhưng không ai tin cả. Ông Thưởng có thuyết phục thế nào, bà con vẫn chưa đồng ý.
Bao lần đi vào bản vận động, thuyết phục khiến ông Thưởng còn nói được cả tiếng Thái của bà con. Không ngờ khi thổ ngữ thông thạo, ông Thưởng lại có được “phần thưởng” cho mình. Bà con hiểu rằng, ông lên đây là có ý trồng hoa thật, chứ không “lừa lọc” như bao dự án lập ra rồi cho bà con ăn bánh vẽ. Ban đầu, vài hộ đồng ý cho ông thuê đất. Có đất ông dựng lán gần đó để trồng hoa. Chẳng mấy chốc những luống hoa hồng mọc lên giữa phố núi. Qua đôi bàn tay chăm sóc của ông, từng bông hoa hồng tỏa hương, khoe sắc. Từng thân cây hoa hồng cao, dài, nụ to, cánh dầy, màu đỏ sậm… hiện lên lung linh trong sương sớm. Hoa vừa đến ngày thu hoạch, thương lái của TP.Sơn La đổ dồn đến mua. Vụ đầu tiên thắng lợi, ông Thưởng mừng đến trào nước mắt, nhưng diện tích đất mà ông Thưởng thuê được vẫn chưa đủ tạo nên một vùng hàng hóa.
Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ, ông Lò Văn Mừng- Trưởng bản Tông đi khắp bản vận động bà con cho ông Thưởng thuê đất. Thêm chân ruộng chuyển sang trồng hoa hồng là thêm phần thu thập, tạo việc làm cho bà con trong bản. Sau mỗi năm, diện tích hoa dần được mở rộng.
Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, ông Thưởng ấp ủ biến cả cánh đồng rộng lớn của xã Chiềng Xôm thành một vựa hoa của đất Tây Bắc. Ông Thưởng tin rằng, nhu cầu hoa của TP.Sơn La ngày càng tăng, trong khi hoa hồng trồng ở đất Sơn La chất lượng, mẫu mã luôn đẹp hơn dưới xuôi vì rất hợp khí hậu. Với suy nghĩ đúng đắn đó, ông Thưởng lại chạy đôn, chạy đáo khắp nơi lo thủ tục thành lập HTX Hà Huy Thưởng. Các xã viên là bà con trồng hoa ở dưới xuôi lên, vui hơn cả là nhiều bà con người Thái trong các bản cũng tham gia vào HTX. Thế là cái tư duy sản xuất độc tôn cây lúa ở nơi đây đã thay đổi. Ngày ngày bà con lên luống, trồng hoa hồng, hoa cúc… Quy trình kỹ thuật đều do ông Thưởng phụ trách.
Làm ăn mỗi năm lại thêm thắng lợi lớn, bà con vui vì cũng trên thửa đất đấy, cũng từng đó công bỏ ra lại thu được lợi nhuận cao gấp 15-20 lần. Nhà nhà phấn khởi, bà con người Thái ở Chiềng Xôm hết lòng ủng hộ ông Thưởng mở rộng diện tích. Bằng sự cố gắng không biết mệt mỏi của ông Thưởng, 30ha đất ruộng của xã Chiềng Xôm đã chuyển sang trồng hoa, mỗi năm mang lại cả trăm tỷ đồng. Từ việc phải chuyển hoa ở dưới xuôi lên, giờ ông Thưởng mạnh dạn sắm 2 ô tô tải chở hoa hồng về các tỉnh đồng bằng bán. Hoa của HTX đi đến đâu cũng khẳng định được chất lượng và mẫu mã.
Sau gần chục năm lăn lộn với đất, có chút lưng vốn trong tay, ông Thưởng mạnh dạn xây dựng khu trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính, để đưa giống hoa cúc, hoa ly vào trồng. Vốn quen trồng hoa hồng, năm đầu trồng hoa ly, ông thất bại thảm hại. Hoa ly lụi dần mà không nở hoa. Sang năm thứ hai, ông ăn lì ở khu trồng hoa công nghệ cao cả ngày lẫn đêm. Ông nâng niu, chăm sóc từng mầm hoa một. Cây không phụ công người, năm thứ hai trồng hoa ly ông thu được thắng lợi. Từng cây ly nở vào đúng dịp tết, bà con mua hoa thì thích mê vì hoa ly quá đẹp.
Đứng lên sau nhiều lần thất bại
Ông Thưởng sinh ra và lớn lên tại xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) – nơi có cánh đồng hoa hồng bạt ngàn. Nhà ông cũng mấy đời trồng hoa, tuy nhiên, do diện tích quá nhỏ, hơn nữa, hoa trồng ra bán rẻ như bèo khiến gia đình ông không đủ sống. Cách đây gần 20 năm, ông đã mạnh dạn đưa cả bầu đoàn thê tử lên đất Sơn La lập nghiệp. Rời quê hương lên vùng đất mới, ông mở quán bán bún để kiếm miếng ăn qua ngày. Vốn là người chịu thương chịu khó lại có tài nấu nướng, quán bún nhà ông luôn tấp nập khách. Từ một nông dân tha phương, cầu thực, chẳng mấy chốc ông mua đất, dựng nhà ở TP.Sơn La. Những khi ngồi bên hiên nhà nhìn những người bán hoa qua nhà, ông như được trở lại quê hương của mình. Ông tận tình mời người bán hoa vào nhà hỏi thăm. Qua câu chuyện của họ, ông biết, hoa hồng, hoa cúc, hoa ly bán ở Sơn La đều đưa ở dưới xuôi lên. Giá luôn cao gấp 2-3 lần.
Những tưởng bao năm bán bún, ông sẽ quên cái nghề trồng hoa gia truyền của gia đình, nào ngờ càng ngày, cái giấc mơ ươm mầm sống trên đồng đất trong ông trỗi dậy. Ông bàn với vợ vào bản Giảng Lắc (TP. Sơn La) thuê đất trồng hoa. Vợ con ông khi đó phản đối dữ lắm, vậy mà ông vẫn ôm tiền triệu vào thuê đất trồng hoa. Ông đặt cây nơi nào là cây sinh sôi phát triển. “Lần đầu cánh đồng nở hoa, tôi ngắt 1 bông hồng to và đẹp nhất tặng vợ. Tôi bảo với vợ rằng, tình yêu của vợ chồng mình đã góp phần biến vùng đất này thành cánh đồng của tình yêu thương. Vợ tôi vui đến trào nước mắt” - ông Thưởng nhớ lại.
Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục thuê đất, mở rộng diện tích trồng hoa. Đến năm thứ 2, hơn 4ha hoa hồng sắp đến thời kỳ thu hoạch, ông đã nếm trái đắng đầu tiên. Tháng 8, mùa thu mưa như trút nước xuống phố núi. Sau một đêm nước lũ ở các nơi dồn về bản Giảng cuồn cuộn đã nhấn chìm vườn hoa, cuốn phăng bao công lao của ông Thưởng. Đến giờ ông vẫn còn chưa quên cái cảm giác cay đắng đó, cánh đồng hoa bị đất đá vùi lấp, không còn một bông nào sót lại. Vụ đó ông thiệt hại cả tỷ đồng.
“Thua keo này ta bày keo khác”, ông tự động viên mình và đứng lên từ thất bại. Để chống lại những trận lũ, ngày đêm không quản ngại sương gió, khó khăn, ông tự mình quai đê quanh vườn hoa để chống lũ. Năm sau, vườn hoa của ông lại lên tươi tốt, lũ về đành “đầu hàng” trước con đê bao chắc chắn. Nhận thấy việc trồng hoa thu lãi cao, ông Thưởng về xã Đông Sang (Mộc Châu) – nơi có điều kiện tương đồng tìm địa điểm trồng hoa.
Thuê được đất, ông háo hức đầu tư vào sản xuất. Ngay vụ đầu trồng hoa trên đất Mộc Châu, ông gặt hái quả ngọt, lãi cả trăm triệu đồng. Vụ thứ hai, có bao nhiêu vốn liếng ông dồn cả vào ruộng hoa. Nhìn từng khóm hoa hồng lên tốt tươi, ông thầm nghĩ, vụ này thắng lợi nữa là ông có tiền trả nợ cho vụ thất bại lần trước. Theo thông lệ, trồng hoa hồng, năm thứ hai mới là vụ chính, chẳng hiểu sao vườn hoa xanh tốt sắp đến lúc thu hoạch của ông bỗng dưng kém sắc. Cây héo rũ rồi chết. Nửa đời trồng hoa, kinh nghiệm đầy mình, ông trổ hết tinh hoa ra để cứu vườn hoa, vậy mà vườn hoa cứ chết dần, chết mòn.
Không nản chí, ông cất công mang đất, mang cây đi các viện nghiên cứu ở Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, ông mới chưng hửng, hóa ra nơi ông trồng hoa hồng, có tầng đất không phù hợp. Cây chỉ phát triển tốt năm đầu, năm thứ hai cây ăn vào tầng đá sẽ không lên được. 2 vụ thất bại liên tiếp khiến ông lao đao, ông trở lại Sơn La bán bún. Khi tích góp được lưng vốn, ông mới đến xã Chiềng Xôm thuê đất trồng hoa. Mỗi lần chuyển đổi là một lần ông trả giá lớn. Nhưng lần này thì khác.
Năm 2014, ông thu được cả chục tỷ đồng, các “cổ đông” của HTX cũng đều ăn nên làm ra, có nhà cũng thu cả tỷ đồng. Giá bán hoa hồng dao động 1.500 – 7.000 đồng/bông. Như vậy, mỗi ha hoa mà làm tốt thu được cả tỷ đồng. Bà con người Thái cho thuê đất hưởng lợi, mỗi năm người trồng hoa trả cho chủ đất 100 triệu đồng/ha (cao gấp 3 lần so với việc nông dân cày cấy). Vui hơn cả là HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 300 lao động.