Dân Việt

Sẽ thua, nếu chất lượng giống kém

Hoài Thu - Anh Thư 19/03/2015 09:15 GMT+7
Sau một thời gian dài âm thầm bén rễ trên đất Lâm Đồng, đến nay cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, có hộ bội thu, có hộ thất bại, mà một trong những nguyên nhân là chất lượng cây giống đầu vào.

Trông xen canh có lợi cho cà phê

Nhà nông Phạm Văn Ba (thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương) kể lại: “Năm 2006, được trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, gia đình đã mạnh dạn nhập 150 cây giống của Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Ba Vì về trồng thuần trên 6 sào đất. Vì là cây trồng mới nên thời gian đầu gia đình cũng có nhiều nỗi lo âu, thứ nhất là liệu loài cây này có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, có cho quả nhiều không và trồng lên rồi bán sản phẩm cho ai, giá cả như thế nào... Thậm chí có những lúc yếu lòng, định nhổ bỏ để trồng cây khác.

img

Nông dân xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bên vườn mắc ca.   

Không ngờ sau 3 năm, cây bắt đầu cho quả bói, mỗi năm quả càng nhiều lên, tới niên vụ 2014, chúng tôi thu hoạch được 4 tấn hạt. Sản phẩm thu được chủ yếu bán cho bà con ươm giống với giá loại một từ 400- 500 ngàn đồng/kg, loại hai cũng từ 200-250 ngàn đồng/kg. Trong năm qua gia đình tôi thu được hơn một tỷ đồng từ cây mắc ca. Niên vụ sau tôi tin là năng suất sẽ còn tăng nữa”.

Anh Bùi Hữu Hòa, thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà cũng cho biết: “Gia đình tôi không cần phải đốn cà phê, mà trồng xen 2ha mắc ca với cà phê từ 2009, năm 2014 thu được 2 tấn với giá bán 150-170 ngàn/kg, thu về hơn 300 triệu đồng; thu hoạch thêm 10 tấn cà phê hạt cũng bán được khoảng 400 triệu nữa. Như vậy, trong năm vừa qua cứ mỗi 1ha đất đem lại cho gia đình tôi khoảng 350 triệu đồng”. Anh Hòa cho biết thêm: “Trồng xen mắc ca có lợi cho việc canh tác cà phê, thu nhập lại cao hơn và chi phí bỏ ra ít hơn rất nhiều. Chúng tôi trồng không đủ bán, cầu lúc nào cũng vượt cung”.

Cần quản lý chặt nguồn giống

Không may mắn như các hộ nông dân trên, hơn 1ha mắc ca của gia đình anh Nguyễn Văn Năm ở xã Tà Nung, TP.Đà Lạt, dù đã trồng được hơn 5 năm nhưng tới nay chỉ lác đác được vài quả. Anh Năm cho biết: “Khi hỏi mua giống mắc ca nhập ngoại hoặc các giống ghép của các doanh nghiệp có tiếng ở Lâm Đồng thấy giá quá cao, tới vài trăm nghìn một cây giống nên tôi quyết định mua cây giống của nông dân tự ươm hạt chỉ 20-30 ngàn đồng/cây”. Và đây có thể là một trong những nguyên nhân không thành công của anh Năm.


Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn
  "Hiện nay trên toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 950ha mắc ca; trong đó, có khoảng 94ha trồng theo dự án khuyến nông quốc gia, 200ha của Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa (trước đây là Công ty Mắt Đá), số diện tích còn lại là do nông dân tự phát trồng bằng các loại giống không rõ nguồn gốc. "
Đánh giá tình trạng nông dân trồng tự phát bằng các giống không rõ nguồn gốc, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Tình trạng này cũng là hệ quả của việc nhiều nông dân trồng phải chặt bỏ hàng loạt vườn mắc ca để trồng cây khác bởi dù cành lá phát triển bình thường nhưng lại không chịu đơm hoa kết trái gây ra những thiệt hại kinh tế không hề nhỏ mặc dù chúng tôi đã cảnh báo người nông dân trước đó rất nhiều. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì trong tương lai sẽ còn nhiều vườn mắc ca phải chặt bỏ vì trồng phải giống mắc ca chất lượng kém. Vì vậy chúng ta cần quan tâm và quản lý chặt chẽ nguồn giống đầu vào; đồng thời phải có những vườn ươm đủ lớn để giảm giá thành cho giống đầu vào, cung cấp nguồn giống chất lượng cho người dân”.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, hiện nay có rất nhiều giống mắc ca từ nhiều nguồn đưa vào Việt Nam. Bộ NNPTNT cũng đã có những đánh giá và công nhận một số giống được trồng ở nước ta. Tuy nhiên, do yêu cầu quá lớn nên hàng loạt cơ sở làm giống đã bỏ qua các quyết định. Họ vội vã đưa ra các giống mắc ca mà họ có được để bán cho các nơi. Rất nhiều các sai sót đã bộc lộ…

Chúng ta đều biết, mắc ca có thể nhân giống bằng hạt, bằng cành giâm hom hoặc bằng phương pháp ghép. Các chuyên gia trên thế giới đều nhất trí là mắc ca nên được nhân giống bằng phương pháp ghép. Ta chọn các giống mắc ca tốt để lấy mắt và ghép cho cây làm gốc ghép. Điều quan trọng là đơn vị sản xuất giống phải có vườn đầu dòng tốt, tức là vườn trồng các giống cây tốt để lấy mắt.

Việc này ở nhiều nơi không có. Họ lấy mắt ở bất kỳ giống mắc ca nào mà họ có để ghép thì làm sao đảm bảo giống tốt được. Thậm chí, có nơi còn lấy ngay giống của cây đó để ghép. Lại có đơn vị tạo vết sẹo giả trên cây để coi như là cây ghép… “Tất cả các biện pháp đó đều là giả dối, là lừa gạt bà con nông dân. Điều này lợi trước mắt cho doanh nghiệp, nhưng hại lâu dài cho người dân”- chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nói.