Dân Việt

Về Suối Nủa thăm “thủ phủ” của miền gái đẹp xứ Thanh

Minh Phượng 20/03/2015 08:00 GMT+7
Ở xứ Thanh có một dòng nước trong veo chảy ra từ khe đá. Dòng suối ấy được người dân cho rằng là nguồn nước “thần tiên" do nàng Xuyên hóa thành. Bởi khi ngâm mình dưới làn nước đó là cơ thể của sơn nữ bản xứ sẽ trắng như ngọc ngà.
Huyền thoại dòng “suối tiên”

Trong lần về xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), chúng tôi được người dân giới thiệu về suối Nủa huyền thoại. Bởi đối với những người thích phiêu lưu, khám phá như chúng tôi khi được nhìn thấy cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp này quả là một niềm hạnh phúc. Nơi đây còn có một thông lệ cứ chiều tà hoặc xế trưa là các cô gái bản lại hòa mình xuống dòng nước trong veo, khiến cho tiếng cười cứ văng vẳng bay xa theo làn gió.
img
Gái bản nơi hạ nguồn con suối Nủa. (Ảnh: Minh Phượng)

Cụ Hà Văn Án (79 tuổi) người ở bản cho biết: “Sở dĩ các cô gái có làn da trắng nõn vì là ở đầu nguồn con suối này nước trong. Con suối còn gắn liền với một câu chuyện về nàng Xuyên và anh chàng Nủa. Mấy chục năm về trước, dân bản chúng tôi còn phải cúng một con trâu trắng. Nhưng sau cách mạng, Đảng và Nhà nước cấm mê tín dị đoan nên cũng không còn ai thờ cúng nữa”.

Cụ chậm rãi kể tiếp: “Lúc còn nhỏ, tôi được các cụ kể chuyện con suối này có nàng Xuyên trấn yểm. Chuyện rằng nàng Xuyên yêu anh chàng Nủa, vì gia đình ngăn cản nên họ không lấy được nhau. Do tức giận, nàng chạy lên ngọn núi Pha Bó đập đầu vào vách đá mà chết. Tại chỗ cô gái chết lại hóa thành một dòng nước thần. Nước cứ chảy ra tung bọt trắng xóa. Lạ kỳ, khi gái bản được tắm dòng suối này thì ai cũng có làn da trắng muốt như mầm măng bóc”.

img
Cụ Án kể chuyện "nàng Xuyên hóa thành suối". (Ảnh, Minh Phượng)
Cụ Án còn bảo, dòng suối ấy chỉ có các cô gái trong bản Thái mới được tắm. Gái ở dưới miền xuôi lên đầu nguồn con suối này, chỉ cần đằm mình xuống dòng nước là sẽ bị rụng tóc, trọc đầu ngay lập tức. Nếu ai muốn tắm thì phải có người quen dẫn đường (?). Ngoài bị ốm, trọc đầu, người lạ còn bị một loài rắn lạ quấn chặt vào chân. Theo nhiều người miêu tả thì loài rắn này có màu trắng.

Anh Hà Văn Nam, trưởng bản Nủa cho hay: “Năm 2009 có một đoàn thanh niên tình nguyện từ Hà Nội về làng Nủa đắp đường. Thấy dòng nước lạ, một cô gái tên là Thúy (sinh viên đại học ở Hà Nội) mới thả mình xuống dòng nước. Đêm hôm đó cô gái này bị ốm sốt, đến sáng ngày hôm sau đột nhiên đầu bị rụng tóc”.

Phong tục “tắm tiên”

Theo anh Nam, những câu chuyện ma quỷ chỉ là do người đời truyền kể cho nhau, chắc là cô gái ấy chỉ bị rụng tóc ngẫu nhiên mà thôi. Với gái bản, khi mặt trời khuất bóng hoàng hôn, họ lại tụ tập tắm suối. Ai cũng đùa vui, hồn nhiên phơi trần cơ thể rồi bước xuống dòng nước, vẻ đẹp tô đậm thêm gam màu sáng cho bức tranh chiều tà nơi núi rừng.

Thế mà cái tục lệ có từ hàng ngàn năm ấy đang dần dần bị mất đi. Hiện tại kinh tế của đô thị đang gắn liền với sự phát triển của đồng bào. Những con đường nhựa phẳng lỳ được nối dài từ đầu làng đến ngõ xóm. Thi thoảng vẫn vang lên tiếng còi xe chạy máy chạy qua các con suối. Các tour du lịch đưa những đoàn khách thăm quan từ đồng bằng lên miền sơn cước cứ ngày thêm tấp nập, đông vui hơn.
img
Gội đầu ở suối, nét đẹp của sơn nữ Thái. (Ảnh: Minh Phượng)
Những con người hiếu kỳ ấy khiến cho các cô gái bị mất cảm giác an toàn. Thay vào việc tắm suối, sơn nữ Thái tắm ở những nơi kín đáo, nhằm lẩn tránh sự soi mói của những ánh mắt tò mò. Từ những lý do đó mà phong tục tập quán độc đáo này bị chìm vào quên lãng. Hiện nay để tìm được những dòng suối có đông đảo sơn nữ tắm tiên quả là một điều cực kỳ hiếm hoi.

Khi tôi hỏi vì sao phong tục tắm tiên không còn nữa, anh Nam trưởng bản cười và bảo: “Từ hồi làm đường, bản làng có điện sáng trưng, lâu dần cũng tấp nập người đi lại. Tục tắm suối nay chỉ còn lác đác, thay vào đó là "Lễ hội" gội đầu, các cô gái trong bản không còn đi tắm như xưa nữa”.

Sự ngọt ngào của dòng suối không chỉ làm nên vị thơm của hương lúa nếp, mà nó còn làm nên sự ngọt ngào của tình đất, tình người. Bá Thước đã đi vào câu ca vào huyền thoại với gạo trắng nước trong, với giống lúa nếp thơm. Và gái bản cũng đẹp nức tiếng như hạt nếp trắng trẻo, tròn trịa ở đây vậy. Bên cạnh những mặt tích cực thì tục “tắm tiên” cũng đã bị lãng quên.
img
Thiếu nữ nô đùa khi được đằm mình tắm suối. (Ảnh: Minh Phượng)
Xưa, Bạc Văn Ùi còn sáng tác thơ rằng: "Sao anh lại rình trộm xem em tắm/ da của em ngần trắng/ da của mẹ, của cha. Tay của em lấm lem/ tay của than của bụi. Tay của rừng của núi/ tay của đất của nương. Em tắm xong lại sạch/ vẫn ngát thơm hoa rừng. Da của em trắng ngần/ là của anh tất cả. Không phải người xa lạ/ việc gì mà trộm xem. Em tắm suối giữa mường/ tắm trong mối yêu thương...".

Hiện nhiều nhiếp ảnh gia không quản ngại khó khăn vượt núi băng rừng hằng mong được xem một lần thiếu nữ vùng cao “tắm tiên”. Xong những bức ảnh này cũng không còn giá trị thực của nó. Có người còn dựng cảnh, kể cả bố cục và nội dung để cho ra những sản phẩm thiếu sự chân thực. Những bức ảnh tắm tiên, hiện nó chỉ là khoảnh khắc còn sót lại của một thời đã đi vào dấu tích.

Ông Hà Việt Khoa Phó chủ tịch xã Lũng Cao cho biết: “Hiện trên dòng suối Nủa vẫn còn phong tục “tắm tiên” nhưng rất ít. Theo tôi, tắm suối là nét sinh hoạt có từ hàng ngàn năm trước. Bởi mỗi buổi lao động vất vả là phụ nữ trong bản lại rủ nhau ra suối trầm mình xuống dòng nước mát lạnh. Tắm suối không chỉ để gột rửa bụi bẩn, ngâm mình trong dòng nước mát cho thư thái mà còn là thời gian để họ chuyện trò tâm sự, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống".