Mới đây, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã đề xuất thành phố cho chặt hạ 6.700 cây xanh dọc nhiều tuyến phố để thay thế bằng các loại cây mới, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015-2017), dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Trong số những cây xanh bị đề xuất chặt hạ lần này có nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô, với lý do những cây này đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tại các thành phố lớn trên thế giới, nhà chức trách đều xác định cây xanh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, tạo không gian xanh cho đô thị. Do đó, công tác bảo vệ, trồng mới và thay thế cây xanh luôn được chú trọng và được quy định rất chặt chẽ.
Chẳng hạn như tại thành phố Sydney của Úc, các loại cây xanh trồng dọc đường phố đều được coi là tài sản của thành phố và được bảo vệ chặt chẽ theo chương trình bảo tồn cây xanh. Các nhà quản lý cùng các chuyên gia về thực vật học luôn phối hợp chặt chẽ với người dân để trồng và bảo vệ cây xanh đường phố.
Thành phố Sydney cũng ra những quy định rất chặt chẽ trong việc đốn hạ hoặc tỉa cây xanh. Đối với những cây xanh này, người dân và chính quyền chỉ được tỉa bớt cành lá để loại bỏ những cành sâu mục, chết hoặc gây nguy hiểm cho người đi đường, hoặc để tạo không gian cho những cành lá phía dưới cũng như để đảm bảo cây cối không che khuất các biển báo giao thông.
Cây xanh trên đường phố Sydney chỉ bị đốn hạ khi không còn giải pháp nào khác để giữ lại, và thường là những cây quá già, bị mục ruỗng và chết khô, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Các thanh tra viên của thành phố sẽ đến tận nơi xem xét và quyết định có loại bỏ cây đó hay không. Nếu phải loại bỏ, họ sẽ gắn một tấm biển trên thân cây, ghi rõ lý do phải loại bỏ và đề xuất thay thế cây nào vào chỗ đó, ngoài ra còn có thông tin liên lạc của thanh tra viên.
Còn người dân Sydney khi muốn loại bỏ cây xanh trong vườn nhà mình cũng phải xin giấy phép của thành phố, nếu những cây này có chiều cao từ 5 mét trở lên, có tán lá phủ hơn 5 mét, hoặc đường kính thân hơn 30 cm.
Sydney cũng quy định các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm quy định trên. Những người chặt hạ cây trái phép ở mức độ nghiêm trọng có thể bị Tòa án Môi trường và Đất đai phạt tiền tới 1,1 triệu USD.
Còn thành phố Southwark của Anh thì quy định cây xanh được coi là một đặc trưng quan trọng của môi trường thành phố và được bảo vệ theo Lệnh Bảo tồn Cây xanh (TPO). Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ hành vi tỉa cành hay chặt hạ cây xanh nào đều phải được Sở Quản lý Phát triển của thành phố xem xét và đồng ý.
Theo luật, những cây xanh thuộc diện TPO không được phép chặt hạ, nhổ, làm bật gốc mà chưa có sự nhất trí và giấy phép của Sở Quản lý Phát triển. Gần như toàn bộ cây xanh trong thành phố Southwark đều được xếp vào diện TPO, ngoại trừ các loại cây bụi nhỏ.
Khi muốn xử lý bất cứ công việc gì đối với những cây xanh này, người ta sẽ phải nộp đơn lên Sở Quản lý Phát triển. Trong vòng từ 6-8 tuần, sở này sẽ ra quyết định về việc có được phép tỉa cành hoặc đốn hạ đối với những cây xanh được đề xuất hay không.
Trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, cây xanh có thể được đốn hạ trước khi có giấy phép, nhưng những người đốn hạ sau đó phải giải trình rõ ràng tình huống khẩn cấp đó với hội đồng thành phố. Việc giải trình này phải được thực hiện bằng ảnh chụp và lời khai của các nhân chứng.
Nếu cố tình đốn hạ hoặc hủy hoại cây xanh mà không có giấy phép, người vi phạm có thể bị truy tố và bị phạt tới 20.000 bảng Anh và phải thay thế một cây khác vào chỗ đó ngay lập tức.
Tại thành phố Richmond cũng của Anh, nếu muốn làm bất cứ việc gì liên quan đến những cây xanh có đường kính lớn hơn 7,5 cm, bạn cần phải nộp đơn xin phép hội đồng thành phố.
Trong đơn xin phép này, bạn phải nêu rõ công việc mà mình định làm đối với cây xanh đó, và nếu chặt hạ, bạn phải có phương án trồng cây thay thế. Những đơn xin phép không điền đầy đủ các thông tin trên sẽ bị trả lại, và những đơn hợp lệ thường sẽ được xử lý trong vòng 8 tuần.
Thành phố Richmond quy định nếu người nào cố tình chặt phá hoặc hủy hoại cây xanh sẽ bị phạt tới 20.000 bảng Anh. Tòa án cũng sẽ xem xét xem người vi phạm có được hưởng lợi ích tài chính từ hành vi chặt cây đó hay không, và nếu có, mức phạt sẽ không bị giới hạn. Ngoài ra, người vi phạm sẽ phải thay thế một cây xanh vào chỗ cây vừa bị chặt.
Tại Singapore, đất nước được coi là sạch nhất Đông Nam Á, chính phủ lập nên các Khu vực Bảo tồn Cây xanh bao phủ một diện tích rộng lớn của quốc đảo này, và nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại các cây xanh có đường kính trên một mét trong các khu vực đó.
Năm 2002, một công ty bất động sản đã tự ý chặt hạ một cây xanh cổ thụ có đường kính 3,4 mét trong khu đất của mình. Ngay lập tức, dư luận Singapore nổi sóng phẫn nộ, và tòa án đã ra mức phạt 8.000 USD đối với công ty này, ngoài số tiền 76.035 USD mà công ty phải bồi thường cho nhà nước vì đã đốn hạ cây trên.