15 năm mới có lãi
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về cây mắc ca, có người gọi là cây “nữ hoàng”, “tỷ đô”, có người lại khuyên không nên quá kỳ vọng vào cây trồng này. Là người đầu tiên đưa cây mắc ca vào Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng bên vườn cây mắc ca 3,5 tuổi của ông Y Then ở huyện M’Drak, tỉnh Đăk Lăk.
- Cây mắc ca là một cây có giá trị kinh tế cao, có giá trị nhiều mặt, ngoaiài làm nhân socola, bánh kẹo, ăn trực tiếp thì còn có giá trị về mặt chế tạo mỹ phẩm… Tuổi thọ của cây cũng khoảng 40 – 60 năm là an toàn. Cây này được trồng khá lâu tại Australia, Hawaii (Mỹ) và nhiều nước khác. Tuy nhiên, diện tích trồng chưa phải lớn. Dù mắc ca có giá trị kinh tế lớn nhưng lại không phải là cây trồng “dễ tính”. Để trồng được mắc ca, phải qua khảo nghiệm thử mới biết được, nếu gọi là cây “nữ hoàng” là quá kỳ vọng, cần đặt đúng vị trí của nó để nói lên cả mặt ưu điểm và khó khăn cho người dân thấy được.
Theo tính toán, để đầu tư trồng 1ha mắc ca cần kinh phí rất lớn. Ông có thể cho biết cụ thể mức đầu tư như thế nào?
Quan điểm
Để trồng được mắc ca, phải qua khảo nghiệm thử mới biết được, nếu gọi là cây “nữ hoàng” là quá kỳ vọng, cần đặt đúng vị trí của nó để nói lên cả mặt ưu điểm và khó khăn cho người dân thấy được.
- Hiện ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tính toán đầy đủ tỷ suất đầu tư cho cây trồng này ở đơn vị 1ha là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo một thống kê tại New South Wales (Australia) cho thấy, chi phí toàn bộ cho 1ha trong 3 năm đầu là 1.560,86 đô la Úc (AUD)/ha (trên 28,5 triệu đồng/ha). Từ năm thứ 7, ở vườn quả 20ha với năng suất 1,2 tấn/ha, giá hạt 2,5 AUD/kg, có tổng thu là 3.000 AUD/ha, chi phí đầu tư là 2.858,9 AUD/ha, lãi gộp là 141,1 AUD/ha, tương đương 2,5 triệu đồng/ha. Năm thứ 15, ở vườn quả 20ha, năng suất 3,5 tấn hạt/ha, giá hạt 2,5 AUD/kg, thì tổng thu là 8.750 AUD/ha, tổng chi là 4.475,43 AUD/ha, lãi gộp là 4.274,57 AUD/ha (tương đương 78,2 triệu đồng/ha/năm).
Cần đảm bảo 3 yếu tố
Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới trồng 200.000ha mắc ca, trở thành thủ phủ mắc ca của thế giới. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Hiện cả thế giới mới có khoảng 80.000ha mắc ca. Muốn đặt mục tiêu trồng như thế cần tính tới có 3 yếu tố là trồng ở đâu, thị trường trong nước thế nào và có xuất khẩu được không. Nếu xuất khẩu được, thế giới đã tính tới trước chứ không đến lượt mình. Do đó, cần tính cụ thể đến thị trường trong nước.
Cá nhân ông có ủng hộ phát triển cây trồng này không. Nếu ủng hộ thì theo ông cần có những giải pháp gì để đạt được “tỷ đô”?
- Nói về quan điểm, chắc chắn tôi ủng hộ trồng, nhưng nên tuyên truyền thông tin đầy đủ, chính thức cho người dân biết và hiểu về đặc tính của cây trồng này, cả ưu điểm và nhược điểm. Đặc biệt, nếu muốn trồng đại trà phải sau khi khảo nghiệm, thấy có quả hay không mới trồng. Cây mắc ca khác với cây nông nghiệp ngắn ngày, phải 5-6 năm sau mới có quả. Khảo nghiệm cũng hơi lâu, muốn đi tắt đón đầu thì phải xem giống đã được công nhận và căn cứ vào điều kiện sinh thái tương tự như thế nào cho phù hợp có thể trồng thử. Trồng thử khi có kết quả mới tiếp tục phát triển, nếu vội vàng trồng đại trà sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là nơi có gió Lào, sương muối, nhiệt độ quá thấp. Mặt khác, cây mắc ca đòi hỏi thâm canh mới cho hiệu quả kinh tế và phải trồng bằng cây ghép, nếu trồng bằng cây hạt, kể cả hạt của Australia như khảo nghiệm của chúng tôi cũng thất bại vì năng suất quả sẽ rất thấp.
Xin cảm ơn ông!
Đề phòng nói vống để bán giống
Trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chính thức cảnh báo, việc trồng cây mắc ca phải hết sức thận trọng. Bởi thực tế mới có một điểm khảo nghiệm nhỏ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) có độ cao 600m so với mực nước biển, thế nhưng đã có đơn vị đưa cây này lên trồng ở vùng Liên Khương (cũng thuộc Lâm Đồng) với độ cao 1.500m, nên chúng ta phải hết sức cảnh giác, có thể mắc ca sẽ không ra hoa. Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng cảnh báo, không loại trừ trường hợp họ cứ nói vống lên về cây này để bán giống là chính, điều đó sẽ rất nguy hiểm, gây thiệt hại cho người trồng. Được biết, giá mắc ca giống hiện từ 70.000- 90.000 đồng/cây, thậm chí tại Tây Nguyên còn tới 120.000 đồng/cây.
Ngọc Lê
Kết quả khảo nghiệm ra sao?
Một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ NNPTNT giao trồng khảo nghiệm cây mắc ca là Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (từ năm 2002). Kết quả, theo ông Đặng Đình Đức Phong (Bộ môn Cây lâm nghiệp và cây ăn quả của Viện), các nhà khoa học đã chọn ra được 3 giống có triển vọng là H2, OC và 508. Sau 9 năm trồng năng suất trung bình của các giống đạt 7,9kg hạt/cây/năm. Đặc biệt 2 giống H2 và OC cho năng suất đạt xấp xỉ 9kg/cây/năm, không thua kém so với năng suất trung bình của cây mắc ca sau 9 năm trồng tại Australia (8kg) và Trung Quốc (6,58kg).
Tuy nhiên, theo một số kết quả khảo nghiệm khác, không phải ở vùng nào cây mắc ca cũng phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai. Là người nghiên cứu nhiều năm về cây mắc ca, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, macadamia của Việt Nam hiện nay có xuất xứ từ Australia. Năm 1994, GS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp đã mang một số hạt mắc ca từ Australia về trồng thử xem có hợp với thời tiết, khí hậu và ra quả ở Việt Nam hay không. Đến năm 2000, các cây mắc ca này mới cho quả. Tiếp đến, năm 2001, Viện tiếp tục nhập thêm 10 dòng mắc ca của Australia đã được chọn tạo với ưu điểm là quả sai, chất lượng tốt về trồng khảo nghiệm. Tiếp đó, 5 năm sau triển khai trồng khảo nghiệm, Bộ NNPTNT đã đánh giá và quyết định công nhận giống tiến bộ kỹ thuật cho 7 dòng sản phẩm mắc ca có ký hiệu như OC, 246, 861,849... tập trung ở 3 vùng khí hậu là Tây Nguyên, vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
Đến 2010, đã có thêm 10 dòng mắc ca mới được nhập từ Australia về trồng khảo nghiệm, nâng tổng số dòng mắc ca có ở Việt Nam là 20, nhưng đến nay vẫn chỉ có chính thức 7 dòng có quả sai ở từng vùng khí hậu và chất lượng tốt được công nhận giống tiến bộ kỹ thuật.
Phi Long