Một phụ nữ đi đường chăm chú đọc một bảng hiệu quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ lớn tại Seoul, Hàn Quốc.
"Bạn trai cũ của tôi đã đá tôi để chạy theo một cô gái trẻ trung hơn, quyến rũ hơn. Tôi không đủ đẹp đối với anh ta", Wang tâm sự.
Cô tin rằng, nếu đẹp hơn, cô sẽ kiếm được bạn trai tốt hơn cùng với một công việc hấp dẫn hơn. Wang quyết định tới Seoul của Hàn Quốc sau khi đã tìm hiểu kỹ càng về ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ấn tượng, có "ma lực phù phép biến vịt thành thiên nga" tại đây qua Internet cũng như qua các trung tâm tư vấn.
Sau khi nhận được tư vấn của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Wang trải qua 2 cuộc phẫu thuật, bao gồm nâng gò má, độn cằm để tạo hình V-line cho gương mặt. Các cuộc phẫu thuật tiêu tốn của Wang 120.000 nhân dân tệ (19.000 USD). Tuy nhiên, không may mắn cho Wang, công cuộc "trùng tu" nhan sắc của cô hoàn toàn thất bại.
"Tôi được tư vấn là không hề có nguy cơ nào cả. Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ cũng khẳng định với tôi rằng, tôi sẽ hồi phục trong một vài tháng. Tuy nhiên, thực tế chuyện đó đã không bao giờ xảy ra", Wang chia sẻ.
Khi trở về Trung Quốc, Wang cũng chạy ngược xuôi cầu cứu một số bệnh viện danh tiếng trong nước nhưng đều nhận được cái lắc đầu của các bác sĩ hàng đầu. Tổn thương sau khi phẫu thuật thẫm mỹ của Wang là vĩnh viễn và không thể khắc phục. Cô mất việc, mất cả tương lai với bao dự định, mơ ước và đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe. Wang rơi vào trầm cảm.
Phẫn nộ, cô lại bay sang Seoul, tìm tới bệnh viện đã phẫu thuật thẩm mỹ cho mình để trả thù. Nhưng cô bị các bệnh viện ngăn lại và các bác sĩ ở đây rũ bỏ trách nhiệm của họ với tuyên bố, Gương mặt Wang bị biến dạng sau phẫu thuật là do lỗi từ phía cô.
Đồng cảnh ngộ với Wang, Mi Yuanyuan đến từ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cũng là nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ.
"Họ hứa hẹn rằng, tôi sẽ sở hữu chiếc mũi cao và thẳng" Mi Yuanyuan chia sẻ.
Cô sang Seoul "trùng tu nhan sắc" tháng 9.2013 sau khi xem một chương trình thực tế về phẫu thuật thẫm mỹ, biến những cô gái có khiếm khuyết về ngoại hình trở thành các "hot girl".
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật Mi bị đau mũi, rụng tóc và những vết sẹo lớn trên trán không thể lành lại, trông rất phản cảm. Khi Mi khiếu kiện, các bác sĩ phẫu thuật tuyên bố rằng, họ đã cảnh báo cô về các biến chứng có khả năng sẽ xảy ra, giải thích đầy đủ và cặn kẽ với cô về tác dụng phụ của phẫu thuật thẩm mỹ và rõ ràng là cô đã ký tên vào giấy chấp nhận phẫu thuật.
Tương tự, Jin Weikun, 26 tuổi, cũng bay tới "thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ" của Hàn Quốc để gọt mặt và nâng ngực năm ngoái với hy vọng đẹp hơn, quyến rũ hơn. Đáng tiếc, cuộc phẫu thuật thật bại, Wang gặp biến chứng và giờ đây đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe.
Jin cho biết, có rất nhiều cô gái gặp phải cảnh ngộ giống cô. Cô đã thành lập tổ chức "Fight to Win" để giúp đỡ và đòi quyền lợi cho các nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ. Tổ chức của cô hiện có 200 thành viên, bao gồm cả một số thành viên nam cũng là nạn nhân của "dao kéo". Jin cho biết, nhiều thành viên trong nhóm bị trầm cảm nặng sau khi "hóa quỷ" vì phẫu thuật thẩm mỹ đến mức tìm cách tự tử.
Hiện tại Trung Quốc đang bùng nổ làn sóng các cô gái trẻ sang Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ như Wang, Mi hay Ji. Họ là những cô gái có điều kiện. Hàng triệu cô gái khác đang tìm kiếm "vẻ đẹp hoàn hảo nhân tạo" tại các cơ sở thẩm mỹ ngay trong nước với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Và rất nhiều người trong số họ không đạt được nguyện vọng, rơi vào tình cảnh tiền mất, tật mang.
Đặc biệt, Wang Bei, 24 tuổi, một cựu thí sinh dự thi chương trình tìm kiếm tài năng "Super Girl" đã qua đời năm 2010 do gặp biến chứng trong quá trình gây mê để phẫu thuật thẩm mỹ ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.
Theo một ước tính, giới chức Trung Quốc năm ngoái phải tiếp nhận, xử lý ít nhất 1.400 vụ khiếu nại liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, bất chấp các nguy cơ đã được cảnh báo, nhiều cô gái trẻ không hài lòng với vẻ đẹp tự nhiên của mình, vẫn quyết tâm liều mạng "trùng tu nhan sắc".
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho hay, khoảng 210.000 công dân nước ngoài đã tới "vương quốc phẫu thuật thẩm mỹ" để "trùng tu nhan sắc" năm 2013. Trong đó, du khách Trung Quốc đứng đầu danh sách và tăng 26,5% so với năm trước đó.
Tại Hàn Quốc có hơn 20.000 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đang hoạt động. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Hiệp hội phẫu thuật thẩm Hàn Quốc, chỉ có 1.500 cơ sở đăng ký giấy phép với hiệp hội và 2.100 bác sĩ phẫu thuật có giấy phép hành nghề. Tình trạng các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hành nghề không giấy phép, hoặc giấy phép giả đang ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc tuần trước phỏng vấn 207 sinh viên được lựa chọn ngẫu nhiên từ ba trường đại học ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Nam Kinh và nhận được kết quả, 16% sinh viên cho biết họ đã phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình khuôn mặt.
191 người ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ với quan niệm, ngoại hình đẹp sẽ giúp họ có được công việc tốt hơn và kiếm được tấm chồng giàu sang. Ngoài ra, hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Đàn ông chiếm 10% trong tổng số các khách hàng đăng ký phẫu thuật thẩm mỹ.
Zhang Yan, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội ở Thiểm Tây bình luận, việc phẫu thuật thẩm mỹ chỉ nên dành cho các nạn nhân có diện mạo bị biến dạng vì hỏa hoạn hoặc các tai nạn khác.