“Đau lắm, đau lắm!”
Chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Trần Thiên Phụng (SN 1967) nằm bên con đường Kim Đồng (phường 2, TP.Đông Hà, Quảng Trị) đúng lúc ông cùng vợ vừa bán hết số bún cho khách ăn sáng. Sau tách trà nóng, người thương binh hạng 4/4 này kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và trận chiến đấu lớn nhất đời mình.
Cựu binh Trần Thiên Phụng lật lại những kỷ vật một thời máu lửa. (Ảnh: Ngọc Vũ)
Quê gốc ở xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế), ông cưới vợ năm 1985. Ngày 17.3.1987, ông lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn Hải quân 126 - Sơn Trà (Đà Nẵng) khi con trai vừa tròn một tuổi. Cuối năm 1987, ông Phụng được chuyển quân vào Trung đoàn 83 – Bộ tư lệnh Hải quân đóng tại Cam Ranh. Đêm 12.3.1988, xuất phát từ bán đảo Cam Ranh, ông cùng hơn 100 đồng đội là lính công binh đi trên 3 tàu vận tải HQ 505, HQ 604 và HQ 605 nhận nhiệm vụ ra các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao để xây dựng đảo.
17 giờ 30 ngày 13.3.1988, tàu HQ 604 chở khoảng 70 người trong đó có ông Phụng tiếp cận đảo Gạc Ma với khoảng cách chừng 100m. Ngay lập tức, tàu HQ 604 chạm trán tàu chiến Trung Quốc. Cuộc đấu không cân sức này đã được viết rõ trong sử sách. “Nhìn đồng đội mình hết người này đến người khác ngã xuống, tôi đau lắm, máu căm hờn sôi lên tận cổ mà không thể làm gì được, đau lắm, đau lắm”– ông Phụng mắt đỏ hoe. 5 giờ 30 phút chiều 14.3.1988, Trung Quốc mới điều tàu chiến vớt 9 người lính công binh, trong đó có ông Phụng đưa về bán đảo Lô Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) làm tù binh.
895 ngày làm tù binh cũng là từng đó ngày ông Phụng mòn mỏi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng đội nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo. Khi 9 người lính công binh bị bắt, phía chúng ta không hề biết, cứ tưởng họ đã hy sinh. Ngày 1.11.1988, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 83 – Bộ Tư lệnh Hải quân đã gửi giấy báo tử về gia đình ông Phụng. Mãi đến tháng 2.1989, thông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế, ông Phụng mới gửi được lá thư đầu tiên từ trại tù binh Quảng Đông (Trung Quốc) về gia đình báo tin mình còn sống. “Mọi thứ như được sống lại sau khi gia đình tôi đọc được lá thư của chồng tôi, nhưng gia đình tôi phải chờ, chờ mãi đến ngày 28.8.1991 chồng tôi mới được trả về nước qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tỉnh Lạng Sơn”– bà Thiên (vợ ông Phụng) nhớ lại.
Đau đáu tìm đồng đội
Trên con tàu HQ 604 định mệnh đó, có 2 người lính công binh ít được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng là Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình. Chúng tôi gặp 2 cựu binh này tại nhà ông Trần Quang Dũng (thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) khi 2 ông đang ngồi ôn lại những kỷ niệm một thời oanh liệt. Năm 17 tuổi, ông Bình đã viết thư bằng máu để được tham gia quân ngũ, còn ông Dũng vừa bước qua mùa xuân thứ 20 của đời mình.
Theo lời kể của cựu binh Trần Quang Dũng, khoảng 5 giờ sáng ngày 14.3.1988, ông cùng Trần Xuân Bình, Phan Xuân Ánh, Trần Văn Phương được lệnh tiên phong cầm xà beng, cọc cây dương và cờ Tổ quốc rời tàu bơi hơn 300m vào đảo Gạc Ma. Sau khi diễn ra cuộc trạm chán với tàu Trung Quốc, lính công binh của ta lao nhanh xuống biển để thoát khỏi họng súng đang vãi đạn về phía ta, tìm kiếm sự sống và cứu những người bị thương.
Ngồi trên thuyền nhỏ, bám vào những khúc gỗ lênh đênh giữa biển đến 2 giờ chiều, các anh được tàu cấp nước của ta đến cứu. Trò chuyện với NTNN, ông Phụng, ông Bình, ông Dũng nhắc đi nhắc lại câu nói: “Chúng tôi sẵn sàng trở lại Trường Sa. Dù có hy sinh, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận” – ông Bình kiên quyết. Chia tay chúng tôi, ông Dũng và ông Bình vẫn còn đau đáu một điều, đó là 2 ông đã cất công nhiều lần đi tìm đồng chí Phan Xuân Ánh, quê ở huyện Lệ Ninh (Quảng Bình), nhập ngũ tháng 3.1987, xuất ngũ tháng 2.1990 là người đã cùng 3 đồng chí Trần Quang Dũng, Trần Xuân Bình, Trần Văn Phương tiên phong cùng lên đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc nhưng mãi không thấy. Thông qua bài báo này, 2 ông mong rằng nếu đồng chí Ánh, hoặc ai biết thông tin đồng chí Ánh ở đâu, xin báo về cho ông Trần Xuân Bình, số điện thoại: 01228585796.
Sau khi ra quân năm 1990, ông Dũng và ông Bình đều trở về quê hương, lập gia đình, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hai con trai ông Bình được đặt tên Trường - Sa, còn 2 con ông Dũng có tên Hoàng - Sa, nơi mà các ông đã đổ máu xương để bảo vệ chủ quyền. Ông Bình cho biết, tới đây ông sẽ đăng ký với chính quyền để ra Hoàng Sa, Trường Sa cùng nhân dân ta bảo vệ chủ quyền biển đảo.