Dân Việt

Lãi suất và đạo đức ngân hàng

27/05/2011 06:37 GMT+7
(Dân Việt) - "Chưa bao giờ đạo đức trong hệ thống ngân hàng lại xuống thấp như vậy" - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa đã thốt lên đầy lo lắng khi trả lời VnExpress mới đây.

Ông Nghĩa cho rằng các ngân hàng (NH) hiện đang huy động tiền gửi với lãi suất bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế không quá 14%, trong khi họ thực trả lãi cho người gửi tiền lên tới 17 - 18%; và như vậy việc phá trần này không chỉ làm suy giảm niềm tin vào chính sách, mà nó khiến hệ thống NH méo mó, không minh bạch. Các NH phải đẻ ra hệ thống báo cáo mới để chứa đựng sự méo mó này.

NH, nhân viên NH là biểu tượng, là thước đo sức khoẻ của nền tài chính tiền tệ. Nhưng một khi đẩy họ vào tình cảnh chạy đua bằng mọi giá để giành giật khách hàng gửi tiền như vậy thì họ có còn giữ được hình ảnh sang trọng, sức khoẻ đáng tin cậy của tiền tệ?

Kiểu thu hút khách hàng có tính chất "hàng chợ" này góp phần tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp, dân cư, rằng NH - nơi họ giao dịch, trao gửi niềm tin lâu nay - có vẻ như đang rất thiếu hụt tiền. Mặt khác, chính việc chỉ được ghi trả lãi tiền gửi cho khách hàng 14% trên sổ tiết kiệm, nhưng thực tế phải trả lãi tiền gửi tiết kiếm cho khách lên tới 17 - 18%, khiến cho các NH phải nghĩ, chế ra những khoản chi rồi hạch toán láo để hợp thức hoá.

Ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng đã nhìn thấy sai phạm tại các NHTM trong cuộc đua tranh giành nhau người gửi tiền. Sự cảnh báo đạo đức NH xuống thấp vì những nguyên nhân biết trước, vì thế càng phải được NHNN coi là một trong những việc rất nóng, cần làm ngay để có sự điều chỉnh chính sách kịp thời.

Trong khi nhân viên NH bằng những cách thức "hàng chợ" để thu hút tiền gửi, các doanh nhân chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đang đứng trước bờ vực lo lắng, hoảng hốt vì không vay được tiền, hoặc chỉ vay được với số lượng ít ỏi không đáp ứng nhu cầu với lãi suất cao ngất ngưởng, tới mức mà như ông Lê Xuân Nghĩa nói là "nhiều doanh nghiệp đùa sẽ ném công nhân ra đường hoặc đi buôn lậu".

Thắt chặt tín dụng để chống lạm phát là cần thiết, việc phải làm, nhưng thắt thế nào, lúc nào là cả một khoa học, nhưng trước hết và trên hết phải giữ và tôn vinh cho được niềm tin của dân chúng vào sự minh bạch, uy tín, và nhất là đạo đức của hệ thống NH.