Sự biến mất của những sinh vật từng thống trị đảo Madagascar như loài vượn cáo có kích cỡ của gorilla, hay loài chim voi nặng tới nửa tấn với những quả trứng to gấp 180 lần trứng vịt là một trong những câu hỏi lớn nhất đối với các nhà cổ sinh vật học thế giới.
Hóa thạch vẫn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm trong hang ngập nước. Ảnh: Pietro Donaggio
Trưởng đoàn nghiên cứu, nhà cổ sinh học Học viện Brooklyn, Alfred Rosenberger, cho biết mọi hiện vật tìm được dưới hang đều gần như nguyên vẹn. Thu hoạch lớn nhất lần này là bộ xương của một số loài vượn cáo khổng lồ đã tuyệt chủng từ hàng trăm tới hàng nghìn năm trước như Megaladapis hay Archaeoindris. Ngoài ra, tại đây, bộ xương của các cá thể không bị xáo trộn, có thể dễ dàng ráp chúng lại.
Tại hang Mitoho, họ tìm thấy hóa thạch của hai con fossa – một loài động vật ăn thịt đặc chủng ở Madagascar, nằm trên nhau giữa một đống xương của các loài động vật nhỏ hơn. Giả thiết được đưa ra hai con fossa đang nghỉ ngơi trong cái ổ thì thiên tai, có thể là lũ lụt ập đến và cướp đi sinh mạng của chúng cùng lúc.
Theo nghiên cứu ban đầu, những loài động vật được phát hiện trong những hang động này chỉ mới tuyệt chủng gần đây do có nhiều bằng chứng cho thấy chúng từng cùng tồn tại với loài người, khi họ di cư đến đây, khoảng 500 năm trước công nguyên. Các nhà khoa học nhận định tác động của loài người có vai trò lớn trong sự tuyệt chủng của các loài động vật đặc chủng ở đây, tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn chưa thể đưa ra. Laurie Godfrey, nhà cổ sinh vật học của Đại học Massachusetts, cho biết việc nghiên cứu những hóa thạch và mẫu vật trục vớt được sẽ giúp các nhà khoa học tìm được câu trả lời.
Với lượng hóa thạch khổng lồ vẫn chưa thể khám phá hết, ba hang động Malaza Manga, Aven và Mitoho được cho là nghĩa địa dưới nước lớn nhất của Madagascar. Theo các nhà khoa học, môi trường nước sâu, có khi tới 39 m như ở hang Aven, biến các hang động này thành nơi bảo tồn hoàn hảo các hóa thạch. Ryan Dart, một thợ lặn đã tình cờ tìm thấy kho báu này khi đang đi tìm một điểm lặn mới.