Dân Việt

Vướng mắc trong tiếp nhận lưới điện nông thôn

Thanh Xuân 23/03/2015 15:39 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để tiếp nhận lưới điện nông thôn cần sự đồng thuận của chính quyền và các doanh nghiệp, hợp tác xã điện.
Giá điện sản xuất nông nghiệp cao hơn 25%

Ông Nguyễn Gia Quyền - Giám đốc Công ty Thuỷ nông Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) phản ảnh, trong vụ đông xuân này, công ty phục vụ tưới tiêu với tổng diện tích 25.360ha. Tuy nhiên, cái khó khăn là nhiều trạm bơm sử dụng hệ thống điện của hợp tác xã (HTX). “Không chỉ chất lượng điện thiếu ổn định do đường dây đã xuống cấp mà còn phải chịu giá điện cao hơn 20-25% so với giá bán điện theo quy định của Chính phủ ban hành” - ông Quyền nói.

img
Trạm bơm Bạch Hạc (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phải chịu giá điện cao hơn từ 20-25%.  I.T

Ông Phạm Văn Chúc – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc bàn giao lưới điện nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 127 xã, phường, thị trấn thì điện lực Vĩnh Phúc mới quản lý bán điện tới 57 đơn vị hành chính (chiếm dưới 50%). Số còn lại do các đơn vị tư nhân bao gồm hợp tác xã dịch vụ điện năng và công ty đa ngành nghề quản lý bán điện.

Theo ông Chúc, hiện tại cũng đã có thêm 39 đơn vị bàn giao, trong đó 11 đơn vị thống nhất về giá trị tài sản, các xã còn lại chưa thống nhất trả nợ khấu hao sử dụng trong 20 năm hay 10 năm. Thực tế, khi các đơn vị này bàn giao cho ngành điện thì giá trị khấu hao chỉ còn 5% trong thời gian 40 năm. UBND tỉnh đã thành lập hội đồng định giá để chỉ đạo nhưng do chưa thống nhất được phương án trả nợ khấu hao 10 năm theo quy định của Chính phủ hay 20 năm theo quy định của địa phương nên đến nay chưa ngã ngũ.

Cần sự đồng thuận của chính quyền


Ông Phạm Văn Chúc cho biết: “Hiện các đơn vị chỉ thắc mắc về chế độ khấu hao, mục tiêu của các tổ chức bán điện hiện nay đều phục vụ người dân, do đó chỉ đạo như thế nào là do UBND tỉnh quyết định”. Theo ông Chúc, Sở Công Thương ở địa phương và cao hơn là Bộ Công Thương cũng cần tăng cường kiểm tra tính minh bạch trong hoạt động điện lực của các tổ chức bán lẻ điện và xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng quy định giá bán điện của Chính phủ, tạo công bằng cho dân.

Quan điểm

Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc EVN
  Hiện ngành điện mới tiếp nhận lưới điện của 7.500 xã trên tổng số 9.002 xã, nên vẫn còn khoảng 1.500 xã do các HTX, doanh nghiệp ngoài ngành điện đang bán lẻ, tập trung ở An Giang, Bình Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An…. 
Theo nhận định của các chuyên gia, không nhất thiết khâu bán lẻ điện phải do ngành điện quản lý, nhưng các tổ chức bán lẻ điện phải đáp ứng được quy hoạch của ngành điện và đáp ứng được giá điện ổn định cho khách hàng, đảm bảo tính minh bạch, năng lực và làm tốt công tác dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị bán lẻ điện ở các địa phương hiện là những HTX dịch vụ hoặc doanh nghiệp nhỏ nên không có đủ năng lực để đầu tư cải tạo lưới điện dẫn tới chất lượng điện rất kém, thậm chí nhiều nơi do khấu hao quá lớn nên đã tự ý tăng giá bán điện lên tới 25% như ở Vĩnh Phúc.

 Ông Hồ Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho biết, để ngành điện tiếp nhận được hết lưới điện cần có sự đồng thuận của chính quyền địa phương, các HTX điện, doanh nghiệp bán điện trực tiếp và đặc biệt là người dân. “Chất lượng điện thì tuỳ từng khu vực, có những nơi có điều kiện, mạnh tiềm lực cải tạo nâng cấp lưới điện thì bà con được nhờ và ngược lại một số nơi, nhất là HTX khó khăn không đầu tư, cải tạo dẫn đến lưới điện kém và không đảm bảo an toàn” - ông Hồ Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết, nếu giá điện cao hơn 25% như ở Vĩnh Phúc thì người dân bị thiệt và Sở Công Thương phải vào cuộc để làm rõ.

Ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, hiện các đơn vị bán điện này đã đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thì phải thực hiện theo đúng luật chứ không thể sử dụng biện pháp hành chính để ép buộc họ. Đối với EVN, nếu tiếp nhận lưới điện hết các xã còn lại sẽ là “gánh nặng” hơn do khi tiếp nhận về là ngành điện phải cải tạo lại lưới điện. Quan trọng là các đơn vị này thực hiện được công tác cải tạo lưới điện và bán đúng giá nhà nước quy định là tốt rồi.