Ăn trầu là một phong tục có từ lâu đời của khoảng 1/10 dân số thế giới, và đặc biệt phổ biến ở các nước châu Á. Ăn một miếng trầu có khả năng tạo hưng phấn cho con người tương đương 6 cốc cà phê, và trầu cau được sử dụng như một biểu tượng của tình yêu, hôn nhân ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, tục ăn trầu (hay còn gọi là trầu không) truyền thống này lại là nguyên nhân khiến hàng chục ngàn người chết sớm vì các bệnh về răng miệng, đặc biệt là bệnh ung thư miệng, mà thủ phạm chính là các thành phần có trong miếng trầu.
Ở nhiều nước châu Á, phụ nữ đặc biệt rất thích ăn trầu, và nhiều đàn ông cũng có thói quen này, vì hương vị đặc biệt có nó có thể giúp họ tỉnh táo suốt nhiều giờ lái xe, câu cá hay làm việc tại các công trường xây dựng.
Thế nhưng những lợi ích nhỏ mà nó mang lại không thể nào sánh được với các giá vô cùng khủng khiếp mà nhiều người ăn trầu đang phải chịu đựng. Sau hàng chục năm ăn trầu, nhiều người bắt đầu chứng kiến tỉ lệ ung thư miệng ngày càng cao khiến họ sợ hãi.
Tại Đài Loan, nơi trầu không còn được gọi là “kẹo cao su Đài Loan”, chính quyền đang phải có những hành động quyết liệt để hạn chế thói quen đã có từ nhiều thế kỷ này của người dân và lên tiếng cảnh báo về tình trạng ung thư miệng do ăn trầu.
Sự kết hợp nguy hiểm
Thông thường khi ăn trầu, người ta sẽ sử dụng một miếng cau kết hợp với lá trầu đã được quết vôi rồi cho vào miệng nhai, có nơi còn cho thêm cả thảo quả, quế hoặc sợi thuốc lá.
Tuy nhiên, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã tuyên bố rằng những thành phần trong miếng trầu như trên đều là những chất có thể gây ung thư đối với con người.
Vôi tôi dùng để phết lên lá trầu được cho là một yếu tố nguy hiểm bởi nó gây ra hàng trăm vết xước nhỏ li ti trong miệng, và đây được cho là “cửa ngõ” cho các hóa chất gây ung thư xâm nhập qua niêm mạc miệng của người nhai trầu.
Giáo sư Hahn Liang-jiunn, chuyên gia về ung thư miệng tại Bệnh viện Đại học Đài Loan cho biết: “Khoảng một nửa số đàn ông ở Đài Loan vẫn không biết rằng ăn trầu có thể gây ra ung thư miệng, mặc dù tỉ lệ mắc và tử vong vì ung thư miệng ở Đài Loan đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba thế giới”.
Cũng giống như nhiều người khác, ông Qiu Zhen-huang vẫn không hề biết mối hiểm họa khi ăn trầu. Ông đã nhai trầu suốt 10 năm, khi còn làm công nhân xây dựng. Ông nói: “Tôi bắt đầu nhai trầu vì mọi người nơi tôi làm việc đều nhai. Chúng tôi chia trầu cho nhau để xây dựng quan hệ tốt”.
Hai mươi năm sau khi bỏ ăn trầu, ông bắt đầu phát hiện miệng mình có vấn đề. Cách đây ba năm, trên má bên trái của ông xuất hiện một lỗ nhỏ, và chỉ 3 tháng sau, nó bị loét thành một lỗ thủng to bằng quả bóng đánh golf ngay bên má. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Ông nói: “Mỗi khi tôi ăn thứ gì, nó đều bị rớt ra ngoài qua lỗ thủng đó. Tôi đã phải đắp một miếng gạc lên lỗ thủng, và nó rất đau. Đời tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều vì nó, tôi không dám ra ngoài vì xấu hổ”.
Mỗi năm, có tới 5.400 người Đài Loan như ông Qiu bị chẩn đoán mắc ung thư miệng hoặc có các triệu chứng tiền ung thư, và 80 đến 90% trong số đó là những người nhai trầu.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư miệng là những vết loét nhỏ màu trắng hoặc đỏ bên trong miệng, và chúng có thể nhanh chóng phát triển thành những khối u làm loét thịt. Những vết loét này rất khó che giấu, và chúng gây ra hậu quả nặng nề về tâm lý và sinh lý cho bệnh nhân.
Giáo sư Hahn cho biết: “Họ thật thảm thương. Ngay cả sau khi được phẫu thuật, họ vẫn không thể làm được một số việc cơ bản, chẳng hạn như biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt vì một phần hàm dưới của họ đã bị cắt bỏ, tùy theo mức độ của khối u”.
Đối phó vấn nạn
Rất may mắn cho ông Qiu là khối u của ông đã được chữa trị, và má của ông đã được khôi phục lại. Hiện chính quyền Đài Loan đang tập trung nỗ lực phát triển các chương trình xã hội để giúp người dân từ bỏ thói quen ăn trầu.
Chính quyền đã tìm cách giảm nguồn cung bằng biện pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân để chặt bỏ cây cau và trồng các loại cây thay thế. Các nước châu Á như Ấn Độ và Thái Lan cũng đã có những chiến dịch tương tự để hạn chế tục ăn trầu.
Đến năm 2013, tỉ lệ đàn ông Đài Loan ăn trầu đã giảm được gần một nửa sau chiến dịch quyết liệt trên, thế nhưng họ vẫn còn nhiều việc phải làm, khi một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thể từ bỏ thói quen này.
Và vì các triệu chứng ung thư miệng phải 20 năm sau mới xuất hiện, nên có thể tất cả đã quá trễ đối với một số người mới bỏ ăn trầu gần đây. Thế nhưng trễ còn hơn không, và đó chính là điều mà ông Qiu, một trong những người may mắn sống sót trước căn bệnh ung thư miệng, cảm nhận được một cách sâu sắc nhất.