Lĩnh vực sinh lời lớn
Năm 2009, khi Tập đoàn TH (với thương hiệu sữa TH true MILK) công bố Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, dư luận đã có không ít băn khoăn về dự án này, mà nói như ông Phan Đình Trạc- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (hiện là Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư): Lúc đó có nhiều người đặt nghi vấn TH lấy đất để làm dự án gì đó, chứ nuôi bò gì. Song trên thực tế, kết quả hiện nay là trang trại bò sữa của TH đã đạt quy mô mang tầm châu Á với tổng đàn bò sữa lên tới 45.000 con, mỗi ngày sản xuất ra từ 800.000-900.000 lít sữa.
Đó là về lĩnh vực chăn nuôi, còn về trồng trọt, bằng việc công bố thông tin thành lập Công ty VinEco- chuyên về sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Vingroup đã chính thức bước chân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn ban đầu lên tới 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu của tập đoàn này là sẽ sản xuất các loại rau, củ sạch phục vụ tiêu dùng trong nước. Vingroup đang trong quá trình gom đất và sẽ mở rộng quy mô ra các địa phương khác.
Theo tìm hiểu của NTNN, còn rất nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- đánh dấu bước chuyển lớn của ngành này, như Tập đoàn Hòa Phát - chuyên về sản xuất thép cũng đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Hàng loạt doanh nghiệp khác đang rót vốn vào nông nghiệp như Vinamilk, Dabaco, NutiFood, Vissan…
TS Trần Du Lịch- Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM cho rằng, trong nông nghiệp hiện nay cũng phải làm theo quy trình công nghiệp hóa. Cụ thể, trong công nghiệp, nếu chúng ta có 1.000 đôi giày như nhau, thì trong nông nghiệp cũng phải có hàng nghìn lít sữa, hàng nghìn quả cà chua như nhau, đó mới là công nghiệp hóa nông nghiệp.
Nông dân sẽ đứng ở đâu?
Đó là câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra trong quá trình các doanh nghiệp “chuyển dịch” đầu tư vào nông nghiệp. Trả lời câu hỏi này, ông Võ Trường Sơn cho biết: “Về liên kết với nông dân đối với đất đai sản xuất, do số đất đai của người dân chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ, nên chúng tôi đang nghĩ ra các chương trình hợp tác. Chẳng hạn như nhà máy có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, còn nông dân có thể hình thành các tổ hợp tác để sản xuất, bán sản phẩm cho công ty. Hợp tác ở đây cũng có thể được hiểu không có nghĩa góp đất với nhau, mà có thể hợp tác để mua các công cụ sản xuất hoặc có hình thức sản xuất với nhau”.
Trong khi đó, Vingroup cũng cam kết, sẽ ưu tiên sử dụng và đào tạo lao động địa phương trở thành những công nhân chuyên nghiệp có thể sử dụng các công nghệ trồng trọt hiện đại tiên tiến nhất, điều đó có nghĩa là nông dân sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình đầu tư đó.
Là người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Công Suất- Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực phẩm và thực vật Việt Nam (VINAGA) cho rằng, trước kia mọi người cứ nghĩ làm nông nghiệp thì không cần kiến thức gì, chỉ cần có sức là được, nhưng ngày nay mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ làm nông nghiệp cũng phải có trí thức, thậm chí những người có tiền, có trí thức mới có thể đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, bền vững. Hiện VINAGA đã liên kết với nông dân ở nhiều địa phương để trồng gấc với diện tích lên tới trên 10.000ha, thu nhập đảm bảo ở mức hàng trăm triệu đồng/ha trở lên.