Không còn gì để bàn cãi về độ ngon của đặc sản sò huyết đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên). Thế nhưng sò huyết đầm nước lợ này hiện đang “ẩn hiện” chập chờn. Ngay bên bờ đầm là các loại sò huyết từ vùng khác... trà trộn danh tiếng.
Còn đâu sò huyết Ô Loan
Hàng bao năm nay, nghề mò sò huyết là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân 5 xã xung quanh đầm Ô Loan (An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông). Năm 1997, đặc sản sò huyết “number one” là một trong những yếu tố để đầm nước lợ Ô Loan (rộng khoảng 1.500ha) được công nhận di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Khoảng mươi năm trước, mặt đầm rất quen thuộc với hình ảnh từng nhóm người (đa phần là phụ nữ, trẻ em) “đạp” sò huyết. Ấy là họ ngâm mình xuống đầm nước, rồi bước dọ dẫm, khi chạm vật “nhám nhám, tròn tròn” là dùng ngón chân quắp lên.
“Hồi đó, chỉ cần xách rổ ra “đạp đạp” non buổi là có thể kiếm chục ký sò huyết, bán cả triệu bạc. Chớ mà mấy năm nay, bói không ra một con. Các loại sò, ốc khác cũng không chẳng thấy còn. Thiên hạ săn dữ quá, họ toàn dùng cào sắt để bới sạch sò huyết cả lớn lẫn nhỏ! Mặt đầm thì ngày càng bị lấn chiếm nuôi tôm, ô nhiễm nặng lắm… Dân Ô Loan bây giờ phải đi ăn sò nơi khác nhập về, nghĩ mà buồn…” - ông Trần Văn Mai, một ngư dân ở bên bờ đầm phía An Hòa, nói.
Phóng viên tìm đến mấy vựa bán thủy sản tươi sống ngay bờ đầm Ô Loan, khu vực xã An Cư. Một bà “đầu nậu” nói với cô bạn đi cùng phóng viên (là người ở ngay địa phương): “Thôi đừng mua em ơi, không ngon đâu!. Sò huyết này nhập về từ nơi khác, chớ không phải của Ô Loan mình…”. Rồi bà cho hay, hiện chỗ bà chỉ có sò huyết được nhập về từ các tỉnh hai đầu Phú Yên, giá chỉ từ 25.000 - 60.000 đồng/kg. “Sò huyết chính hãng Ô Loan phải từ 100.000 đồng/kg trở lên. Sò huyết Ô Loan có vỏ trắng xám, mập, nhiều huyết đỏ, rất thơm ngọt. Còn sò mấy nơi khác có vỏ hơi đỏ hoặc đen, thịt mỏng, huyết ít, ăn hổng ngọt bằng…”- bà này kể.
Sao dzậy cà?
Lý giải về “sự ngon” của sò huyết Ô Loan, kỹ sư thủy sản Biện Minh Tâm - Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, nói: “Đầm Ô Loan là vực nước nằm cuối con sông Cái, có cửa thông ra biển nên môi trường nước thường xuyên có sự giao hòa “mặn, ngọt” thông thoáng, là điều kiện lý tưởng để các thủy đặc sản sinh sôi phong phú và kết tinh những phẩm chất khác biệt…”.
Còn ông Lê Quang Hiệp - Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên lý giải, “sự ngon” của sò huyết Ô Loan là do môi trường thức ăn đa dạng các loài vi tảo, khoáng chất, dinh dưỡng; sò huyết ở đây có cơ hội sinh sôi mạnh mẽ, con sò dày thịt, huyết nhiều, đỏ tươi. Thế nhưng giờ sò huyết lại khan hiếm không ngờ. Khảo sát từ năm 2008 cho thấy, sò huyết ở đầm này còn không đáng kể, dần đi vào tuyệt chủng. Lý do được đưa ra: Dân nghèo quanh đầm dùng đủ mọi cách để khai thác tận diệt; tình trạng xây cất lấn chiếm, xả thải vô tội vạ, dẫn đến ô nhiễm môi trường đầm; phần lớn mặt đầm đã bị đắp kè nuôi tôm, xả nhiều loại hóa chất ra môi trường đầm…
Đáng chú ý, khu vực đầm liên thông ra cửa biển An Hải đang bị bồi lấp nghiêm trọng. Điều này đã chặn đứng sự thông thoáng luân chuyển “mặn, ngọt” cho Ô Loan. Hiện trạng tù đọng, ngọt hóa nước đầm kéo dài đã làm chết hàng loạt loài thủy sản nước lợ; dễ thấy nhất là sự “phơi xác” cạn kiệt của các loài sò, ốc, hàu… Dự án khai thông cửa đầm Ô Loan đã được xác lập từ lâu rồi nhưng việc triển khai vẫn mãi dùng dằng.
Theo ông Hiệp, từ năm 2009, đơn vị ông chính thức xây dựng “Mô hình nuôi và bảo vệ sò huyết đầm Ô Loan”. Đó là việc nhập sò huyết từ Bến Tre về thả vào môi trường tự nhiên đầm Ô Loan để thí điểm, nhưng rất tiếc đến năm 2013 số sò này đã bị người dân cào bắt sạch.