Nói về cau, trong một bài cổ nhạc "Buồng cau quê ngoại" tác giả Thu An đã viết:
"Chiều chiều ngửa mặt lên trời
Ngó bầy cò trắng bay về nơi đâu
Ngập ngừng tay xách buồng cau
Muốn về quê ngoại biết đâu mà về"
Và lời ca ngọt ngào ấy đã đi vào đời sống của người bình dân miền Tây Nam bộ này mấy chục năm nay.
Cây cau trổ hoa (ảnh tác giả)
Ngày trước nhà lá ba gian, phía trước là khoảng sân rộng, rồi mới đến vườn tược, mé sông. Từ cửa chính của nhà ra đến hết sân, người dân quê thường trồng hai hàng cau xanh ngát.
Thân cau thẳng, đứng thẳng hàng trông như hai hàng "vệ binh" làm cho ngôi nhà thêm mát mắt, thêm cổ kính, vững chãi.
Cây cau thường rộ hoa, kết trái nhiều nhất là vào độ cuối Xuân đầu Hạ. Hoa cau với hàng trăm cánh tua rua vươn dài, nối kết nhau thành những chùm hoa tuyệt đẹp, bông nhỏ li ti mà như đã được ai đó đã dày công sắp sẵn trên lưng chừng gần cuối của ngọn cây.
Hương vị thơm dịu ngọt ngào của hoa cau như muốn níu giữ chân ai ở lại. Hoa cau đặc biệt hơn các loài hoa khác ở chỗ hoa chỉ có nở chứ không có ngày tàn mà chỉ chờ đến ngày kết thành quả. Người dân miền Tây có câu đố về bông và buồng cau như sau:
"Đầu rồng đuôi phụng le te
Mùa Đông ấp trứng mùa Hè nuôi con".
Với hoa cau khi vừa nở màu trắng trông tựa như ngà hay màu vàng nõn nà óng ả, sau đó theo thời gian sẽ được chuyển dần thành những quả cau. Khi còn non, quả có màu xanh ánh vàng, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, hình nón bên trong có hạt mầu nâu sậm, quả lớn dần cho đến tận tiết đông thì có thể hái.
Quả của nó được bổ thành các lát mỏng cuộn trong lá trầu đã têm vôi thành miếng trầu. Người dùng nhai trầu rồi bỏ bã. Cau, trầu và vôi làm răng và môi người nhai đỏ thẫm. Trầu làm cho người ăn có cảm nóng và hăng.
Hoa cau trong lễ cưới của người Khmer (ảnh tác giả)
Tự bao giờ, cau – trầu đã trở thành biểu tượng của sự thủy chung son sắt trong nét văn hóa dân gian của người dân quê.
"Trầu vàng nhá với cau xanh
Duyên em sánh với tình anh mặn mà" – Ca dao.
Trầu cau là những thứ không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội. Trong đám cưới của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nghi thức cắt hoa cau diễn ra một cách trang trọng và không thể thiếu.
Thân cau già còn được dùng làm cột nhà, bắc cầu qua lại kênh rạch, làm máng xối hứng nước, hay vót đũa ăn cơm, …
Cau đã đi vào đời sống văn hóa dân gian một cách tự nhiên với những biểu hiện đa dạng như vậy.