Dân Việt

Hy vọng hồi sinh voi ma mút

25/03/2015 15:39 GMT+7
Các nhà khoa học Mỹ tiến gần hơn đến khả năng hồi sinh voi ma mút, sau khi đưa thành công trình tự ADN của voi ma mút vào hệ gene của voi.

George Church, giáo sư di truyền học tại Đại học Harvard, Mỹ cùng đồng nghiệp nghiên cứu mẫu vật voi ma mút được bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Họ phân tích ADN của nó trước khi tạo phiên bản chính xác 14 gene voi ma mút. "Chúng tôi ưu tiên các gene liên quan đến khả năng chịu lạnh như lớp lông, kích thước tai, lớp mỡ dưới da và đặc biệt là hemoglobin", Church nói.

img

Hình vẽ một con voi ma mút. Ảnh: Wikicommons 

Voi ma mút lông mịn là một trong những loài xuất hiện ở thế Pliocen (thế Thượng Tân) 2,5 triệu năm trước, nhưng đã chết gần như hoàn toàn cách đây 10.000 năm. Chúng tồn tại trên đảo Wrangel ở Bắc Băng Dương, giữa biển Chukotka và biển Đông Siberia cho tới thời điểm cách đây 3.300 năm. Đây là những mẫu vật mà nhóm nghiên cứu sử dụng để phân tích ADN.

Theo RT, họ chèn gene của voi ma mút vào tế bào của voi châu Á, loài đang sống có họ hàng gần gũi nhất. "Giờ đây, chúng tôi có những tế bào hoạt động của loài voi với ADN của voi ma mút. Chúng tôi chưa công bố điều này trên một tạp chí khoa học vì vẫn còn nhiều nghiên cứu khác cần thực hiện, nhưng chúng tôi vẫn có kế hoạch thông báo", Church nói.

Giáo sư Church tin rằng việc hồi sinh voi ma mút có thể có tác động tích cực với hệ sinh thái ở Nga. Các khu vực đóng băng vĩnh cửu tại vùng Siberia đang tan chảy vì biến đổi khí hậu, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng những loài động vật có vú lớn có thể tạo ra sự ổn định.