Dân Việt

Hà Nội “tuýt còi”: Dân chợ cóc, chợ tạm lại lo “chạy“

Mai Hương 25/03/2015 15:15 GMT+7
Người dân buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm lại bắt đầu đứng ngồi không yên sau khi có thông tin Hà Nội quyết “tuyên chiến” giải tỏa chợ cóc, chợ tạm…

Lại “bán chạy”…

Bà Vũ Thị Vân nhẩm tính bà bán hàng khô tại chợ cóc Vũ Thạnh nằm ở đầu phố Vũ Thạnh (Hà Nội) có lẽ đã mấy chục năm nay. Bà Vân cho biết, bà bán hàng từ ngày chợ cóc còn nằm bên đường Núi Trúc, khi lực lượng chức năng đến dẹp bỏ thì chợ cóc này lại chuyển sang phố Vũ Thạnh nằm đối diện đó và bà cũng chạy theo sang. 

img
Hàng rau bày bán tràn xuống cả lòng đường phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đàm Duy 

“Việc bán hàng của tôi mấy chục năm nay vẫn được gọi là “bán chạy”, tức vừa bán, vừa chạy công an. Có lúc cao điểm đuổi chợ thì ngày nào người dân ở đây cũng phải chạy, sáng chạy, chiều chạy, thế mà cái chợ cóc ấy cứ tồn tại cả vài chục năm rồi" - bà Vân chia sẻ.

Chuyên bán rau củ tại chợ cóc này, chị Nguyễn Hồng Loan cũng bộc bạch, nhiều người vì mưu sinh như chị phải chấp nhận bán hàng ở chợ cóc này. Nếu bị bắt thì chịu nộp phạt, còn không thì cứ thấy lực lượng chức năng là chạy, họ đi rồi lại bán hàng bình thường. “Tôi cũng lo lắm khi biết Hà Nội quyết dẹp chợ cóc này, nhưng nói thật là chợ này làm ách tắc giao thông nghiêm trọng, không ngày nào không xảy ra tắc đường ở con phố này giờ tan tầm” - chị Loan bày tỏ.

Chợ cóc Hoa Sen ở gần trường mầm non Hoa Sen (Giảng Võ, Hà Nội) cũng từng bị dẹp bỏ khi tòa nhà hơn 20 tầng được xây dựng tại đây nhưng đến giờ cảnh kẻ mua người bán lại vẫn tấp nập. Chị Nguyệt chuyên bán rau hành tại chợ này cho biết, chợ này chỉ họp buổi sáng nhưng rất tấp nập vì xung quanh toàn nhà tập thể. Dân thì đông mà chợ chạy dài một đoạn con phố nên cũng gây ách tắc. “Ngày nào không đuổi chợ thì bán buôn còn được chứ nếu công an đuổi, người mua bỏ đi hết thì coi như ế, mất tiền nhưng vì mưu sinh chúng tôi vẫn cứ phải vừa bán vừa chạy thôi” -chị Nguyệt nói.

Hà Nội đã không ít lần dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng chỉ được một thời gian ngắn chợ cóc vẫn "mọc" lại. Một lý do khiến chợ cóc vẫn tồn tại, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội là do chúng ta quá thiếu chợ dân sinh. Sau khi giải tỏa chợ cóc, các quận, huyện không đủ địa điểm, diện tích để bố trí các hộ đang kinh doanh tại các tụ điểm di chuyển vào, nhất là trong khu vực nội thành.

Mặc dù Hà Nội đã xây dựng một số chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại trị giá vài trăm tỷ đồng, nhưng do bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt, người tiêu dùng phải gửi xe khi vào chợ, nên đã khiến các trung tâm thương mại này ế ẩm.

Đừng mãi “bắt cóc bỏ đĩa”

Ông Vũ Ngọc Phụng - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, nhiều nơi người dân thực sự có nhu cầu về chợ nhưng lại chưa được đáp ứng nên phát sinh chợ cóc, chợ tạm: “Với các chợ này chúng tôi cứ kiểm tra thì dân “chạy”, đi khỏi là họ lại họp chợ, không có chợ mới cho bà con thì không thể dẹp được”. 

Trong khi đó, theo thông tin từ ông Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công an TP.Hà Nội, dù cố gắng giải tỏa song hiện Hà Nội vẫn còn 127 điểm chợ cóc trong thành phố. Hiện Hà Nội có nhiều khu đô thị lớn song lại không có chợ nên phát sinh chợ cóc. Người dân nông thôn cũng ra thành phố buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm kiếm kế sinh nhai. Theo ông Hải, không giải quyết nhu cầu của dân thì rất khó dẹp loại chợ này.

Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, dù thanh tra giao thông đã xử phạt song cũng không “bịt” hết được các chợ cóc, đuổi chỗ này người ta lại nhảy sang chỗ khác buôn bán. Ông Tân cho rằng, một số địa bàn nên “cắm” cho dân một cái chợ tạm, đẩy các chợ đầu mối ra xa hơn và sớm có mô hình quản lý và chính sách đi kèm với chợ tạm để không ổn định lâu dài thì chí ít cũng ổn định một số năm cho dân sinh sống.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trong một cuộc họp nêu rằng: “Chúng ta đang tuyên truyền không ổn, chưa xứng tầm khi giải quyết vấn đề chợ, đặc biệt trong cải tạo, nâng cấp chợ chưa đảm bảo được yếu tố cốt lõi là dân sinh. Dẹp chợ cóc, chợ tạm cũng chưa để dân hiểu là vì người dân nên để dân có không ít bức xúc…”. 

Ông Tuấn yêu cầu cải tạo nâng cấp chợ phải giữ cho được chợ dân sinh truyền thống, tránh đầu tư chợ mà phải “bước xuống hầm tới 21 bậc” mới vào được chợ dân sinh. “Chúng ta phải công khai, lắng nghe ý kiến người dân để làm chợ cho tốt. Việc khó và nhạy cảm như thế này nếu không có sự đồng thuận vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền thì sẽ hỏng” - ông Tuấn nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, có lẽ Hà Nội nên thay biện pháp “cấm” thành “quản”, bố trí một số khu đất trống chưa sử dụng làm chợ tạm, có ban quản lý giữ trật tự vệ sinh môi trường, hoặc lập tổ tự quản từ chính các hộ kinh doanh. Cần áp dụng mức phí hợp lý, vừa phải với những hộ kinh doanh trong khu vực chợ này, bởi nếu thu phí cao quá thì sẽ không giữ họ ở lại lâu, và rồi họ lại ra vỉa hè, như thế thì bài toán dẹp chợ cóc vẫn mãi là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố có 246 chợ, trong đó có 160 chợ tại khu vực thành thị, 266 chợ tại nông thôn. Toàn thành phố chỉ có 82 chợ kiên cố, 215 chợ bán kiên cố, 129 chợ lán tạm. Các chợ lán tạm chủ yếu ở ngoại thành, với cơ sở vật chất nghèo nàn.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1885/UBND-CT, giao sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm… Theo đó, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiên quyết thực hiện ngay việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông… Đồng thời, rà soát, thống kê, phân loại các tụ điểm họp chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để lập kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thực hiện giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm từ nay đến cuối năm 2015.