Dân Việt

Cà ràng ở chái bếp quê!

Hai Miệt Vườn 26/03/2015 12:00 GMT+7
Cà ràng đặt ở trái bếp, có hình dáng như số 8 được uốn bằng đất sét một đầu to có 3 cạnh để kê nồi, đầu còn lại nhỏ để đưa củi vào. Phần trước cà ràng, nơi có lửa ngọn thì nấu, còn phần sau đuôi, thì cào than để nướng hoặc để giảm bớt sức nóng cho món ăn đang nấu.
Khi mới đặt chân đến vùng đất xưa kia muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh này, trong sinh hoạt thường nhật, để nấu chín thức ăn, người thường bắc ba cục đất chụm lại rồi đặt nồi lên trên. Khi mọi chuyện đã dần ổn định, người ta mới đào đất đắp lò. Lò được đắp đơn giản theo hình tròn hoặc elip. Cửa lò quay ra ngoài, khi chụm củi thường hay bật rất dễ cháy lan, nguy hiểm! Tro nhiều tràn ra miệng lò phải khều ra bỏ, vừa tốn công, vừa không sạch. Và cũng quanh vùng đó, người Khmer lại thích dùng cà ràng.

Cà ràng tiện nhất cho dân đi ghe, xuồng, bởi củi lửa nằm nguyên hết trong chiếc lò ấy. Ở chái bếp nhà quê, ngoài những cái lò lớn, những chiếc cà ràng cũng luôn có mặt để thực hiện chức năng nấu cơm, nước, hàng ngày.
img
Cà ràng đỏ lửa ở chái bếp nhà quê (ảnh tác giả).
Có thuyết cho rằng chiếc cà ràng trước hết người Xiêm sáng tạo, đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia), rồi dân thương hồ người Việt sang nơi ấy làm ăn, thấy tiện nên khi về dùng đất sét ở quê nhà đắp để xài.

Lấy dá đào xuống khá sâu, qua khỏi lớp đất thịt tơi, xốp mới lấy được đất sét để đắp cà ràng. Đất sét có màu gỉ sét vàng, xanh được đem về phơi khô. Sau đó người ta dùng chài giã đất cho nhuyễn. Sàng bỏ tạp chất là những cây, lá rụng mục bám vào. Trộn với nước sông và vỏ trấu cho đến khi vừa tay mới đắp được. Trấu là phần quan trọng giúp cho đất bền, chắc, không nứt, lâu hư, bể. Dân gian kinh nghiệm đắp theo kiểu ước chừng chứ không theo khuôn, mẫu nào cả. Đắp xong, để trong mát một hai ngày cho ráo rồi dùng cây dần cho đều và láng. Sau đó đem phơi chừng vài nắng cho khô. Nếu đắp cà ràng vào mùa mưa thì để trong mát lâu hơn, cuối cùng đưa những chiếc cà ràng “mộc” (cà ràng chưa nung) vô lò hầm mấy ngày mới xài được.
img
Cà ràng vừa hoàn thành (ảnh tác giả).

Cà ràng có hai loại: cà ràng đơn với một miệng bếp, và cà ràng đôi hai miệng bếp; cả hai loại cà ràng này chỉ có thể nấu được bằng củi. Cà ràng đôi thường có một bếp chính phía trước và một bếp nhỏ hơn ở phía sau.

Vừa chân chất, vừa giản đơn, nhưng rất tiện lợi, nên cái bếp nung đất này đã gắn chặt với biết bao đời thương hồ ăn sóng ngủ gió, thả hồn lãng tử giữa đất trời sông nước mênh mang.