Các nhà chức trách mới chỉ tuyên bố, tai nạn máy bay làm chết 150 người, trong đó có 144 hành khách, tổ bay gồm 4 tiếp viên và 2 phi công. Tuy nhiên, quốc tịch và danh tính của tất cả các nạn nhân chưa được công bố.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng không thể nói chính xác có bao nhiêu công dân mang quốc tịch Anh trên chuyến bay mà chỉ ước lượng “ba người hoặc nhiều hơn”. “Không loại trừ khả năng có nhiều người Anh hơn trên chuyến bay đó. Để biết chính xác cần kiểm tra kỹ hơn”. Ông Hammond nói.
Trong khi đó, hãng Germanwings khẳng định, chỉ có một hành khách mang quốc tịch Anh trên chuyến bay.
Số nạn nhân mang quốc tịch Tây Ban Nha cũng dao động đáng kể. Ban đầu, các nhà chức trách nói có 45 người Tây Ban Nha trên chuyến bay. Tuy nhiên sáng ngày 25.3, hãng Germanwings lại tuyên bố chỉ có 35 nạn nhân là người Tây Ban Nha.
Đến chiều cùng ngày con số lại thay đổi lần nữa. “Đã xác định được 45 nạn nhân người Tây Ban Nha”, ông Francisco Martinez, Thứ trưởng An ninh Tây Ban Nha tuyên bố song cũng nói thêm rằng đây chỉ là con số tạm thời.
Theo ông Philip Baum, một chuyên gia về an ninh hàng không, công dân các nước trong hiệp ước Schengen chỉ cần sử dụng thẻ căn cước để làm thủ tục lên máy bay chứ không cần đến hộ chiếu. Chi tiết này cũng có thể khiến việc xác minh quốc tịch của các nạn nhân cần thêm thời gian.
Việc không sử dụng các giấy tờ rõ ràng để lên máy bay dễ liên tưởng đến một vụ tấn công khủng bố.
Điều này còn gây một phiền toái nữa về hỗ trợ lãnh sự: các đại sứ quán cần biết số công dân nước mình trên chuyến bay để có thể triển khai hỗ trợ cần thiết cho gia đình các nạn nhân.
Một nguồn tin từ Chính phủ Đức xác nhận rằng do quy định biên giới châu Âu mở, không cần phải xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước nên chẳng có cách nào để nhanh chóng biết chính xác quốc tịch của các nạn nhân trên chuyến bay.
Sau vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, các nhà lãnh đạo EU đang thảo luận về khả năng áp dụng lại việc kiểm tra giấy tờ người dân đi lại giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).