Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã nói như vậy sau khi hôm qua (26.3), Bộ Công Thương có văn bản điều hành giữ nguyên giá bán các chủng loại xăng dầu. Còn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ giảm 250 đồng/lít dầu hỏa và 110 đồng/kg dầu mazut.
Giá cơ sở giảm, giá xăng vẫn giữ nguyên
Theo công bố của Bộ Công Thương, giá cơ sở của mặt hàng xăng RON 92 lần này chỉ còn là 18.306 đồng/lít, giảm 832 đồng/lít so với giá cơ sở mặt hàng này hôm 11.3 (19.138 đồng/lít). Giá cơ sở của hầu hết các chủng loại xăng dầu còn lại cũng giảm mạnh, như xăng E5 giảm 832 đồng/lít, dầu diezel giảm 883 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.087 đồng/lít và dầu mazut giảm 1.035 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm xuống ở mức thấp.
Kèm theo đó, Bộ này cũng yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá như hiện hành. Điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các chủng loại xăng dầu như sau: Xăng các loại giảm 832 đồng/lít từ mức 1.825 đồng/lít xuống còn 1.020 đồng/lít. Dầu diezel các loại giảm 883 đồng/lít từ mức 888 đồng/lít xuống còn 05 đồng/lít. Dầu hỏa ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, từ mức 837 đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít. Dầu mazut các loại ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, từ mức 927 đồng/kg xuống 0 đồng/kg.
Giảm giá mới chính đáng
“Cá nhân tôi cho rằng, giá xăng nên giảm 400 đồng/lít và giảm chi Quỹ Bình ổn chỉ 432 đồng/lít thay vì giảm chi quỹ tới 832 đồng/lít và giữ giá xăng”- ông Long phân tích. Theo ông Long, người tiêu dùng xăng dầu hiện nay không chỉ có cá nhân mà là rất nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. “Nếu giảm giá xăng dầu thì tác động tích cực tới nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, các bộ đang “giữ lợi ích của mình” nên không giảm giá xăng dầu mà giảm mức chi Quỹ Bình ổn quá mạnh”-ông Long nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc điều hành giá xăng dầu trong nước gần đây đã khá linh hoạt, nhịp nhàng. Nếu giá thế giới giảm tổng cộng 60% thì giá xăng dầu trong nước giảm 40-50%. Như vậy khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu kỳ điều hành lần này, giá xăng dầu giảm cho người tiêu dùng thì tác động tới người dân, nền sản xuất sẽ tốt hơn, nhất là trong bối cảnh giá điện đã tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, người tiêu dùng kỳ vọng, giá xăng dầu lần này sẽ giảm là hoàn toàn chính đáng, bởi tính từ ngày 11.3 (kỳ điều hành gần nhất) đến nay, giá xăng dầu thế giới đã giảm thêm tới gần 8%. “Các bộ ngành mới nghĩ đến sự an toàn của Quỹ Bình ổn chứ chưa mạnh dạn vì lợi ích người tiêu dùng trong bối cảnh giá xăng dầu giảm, như thế rõ ràng, trong công tác điều hành giá xăng dầu lần này vẫn chưa thực sự có sự hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân”- ông Thắng nói.