Cung đường buôn lậu
Thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được xem là một trong những “đại bản doanh” của “Tỷ đường” trước đây với ít nhất 3 “chân rết” tiếp chuyển (đã bị bắt) cùng nhiều kho chứa đường lậu. Ông Trần Văn U, nhà ở cặp kênh Vĩnh Tế (đoạn thuộc thị trấn Tịnh Biên) cho biết: “Giờ thì yên lặng vậy, chứ cách đây hơn một tháng thì đội quân vận chuyển đường của “Tỷ đường” rần rần vỏ lãi, đêm lẫn ngày, chạy như bay, dậy sóng cả khúc sông”.
Những địa điểm từng là nơi tập kết đường lậu như cống Cây Dương, cống Tư Mèo, cống Bảy Búa (thị trấn Tịnh Biên)… hiện thời đều trở nên vắng lặng. Trong khi ở Tịnh Biên, buôn lậu đường cát lắng xuống thì ở Vĩnh Ngươn (TP.Châu Đốc) lại bùng lên hình thức buôn lậu nhỏ lẻ.
Đi một vòng qua “cung đường buôn lậu” như cầu sắt Vĩnh Ngươn (ngã ba Chợ Gò – cầu Chắc Ri), khoảng hơn 2km, từ chiều đến chạng vạng tối chúng tôi ghi nhận nhiều nhóm người đi xe mô tô chở đường lậu chạy bạt mạng.
“Mấy ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ nhật còn đông gấp mấy lần. Mấy tuần nay giá đường tăng cao, lời nhiều nên nhiều tay chuyển sang vác đường. Một bao đường qua biên giới kiếm hai ba chục ngàn, ngon ăn hơn mấy thứ khác” – anh H thổ địa dẫn đường cho chúng tôi biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đường cát Thái Lan sau khi mua từ chợ Gò Tà Mâu bên Campuchia (cách trung tâm xã Vĩnh Ngươn chưa đầy 1km) được dân buôn đai (vác) xuyên qua cánh đồng, tập kết ven các bờ đê giáp với “cung đường lậu”. Từ đây hàng tiếp tục được vận chuyển ra Châu Đốc bằng xe mô tô rồi tiếp tục được đưa đi các nơi để tiêu thụ.
TP.Châu Đốc và Long Xuyên hiện là 2 “bãi đáp” lớn nhất của dân buôn lậu đường nhỏ lẻ. Tại đây đường cát lậu được nhiều đại lý, tiệm tạp hóa tiêu thụ (và bán ra). Trung bình một bao đường (50kg) vận chuyển ra các chợ ở Châu Đốc dân buôn lãi từ 70.000 - 100.000 đồng; còn xuống tới Long Xuyên thì mức lãi cao hơn nữa (từ 120.000 - 150.000 đồng/bao).
Lập đường dây “nóng” chống buôn lậu
Trước sức hấp dẫn của đồng tiền, để hòng qua mặt các ngành chức năng, các con buôn “ngụy trang” đường lậu bằng nhiều hình thức rất tinh vi, phổ biến nhất là chứa trong bao có chữ “gạo sạch” hay “lúa giống”…
Thượng tá Trần Quốc Khánh - Trưởng đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn thông tin: “Do dân buôn xé nhỏ nên lực lượng chống buôn lậu không thể nào chặn hết được. Mấy tuần nay số lượng này đã và đang tăng. Mùa khô, lúa cắt xong, đồng trống trải nên dân buôn nhỏ lẻ cũng thuận lợi, cộng thêm lực lượng nông nhàn cũng tham gia. Mặt khác, từ khi trùm đường ở đây sa lưới, đường khan hiếm, giá đường tăng, mức lời cao hấp dẫn dân buôn nhỏ lẻ”.
Ông Dương Văn Hồng - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3, Chi cục QLTT tỉnh An Giang cho biết: “Số lượng các đại lý kinh doanh đường cát lậu tại TP.Long Xuyên đang có dấu hiệu tăng đột biến. Chỉ riêng trong tháng 3 này, đơn vị đã phát hiện hơn 3,5 tấn đường cát không rõ nguồn gốc được ngụy trang trong bao chứa lúa, gạo và một số vật dụng khác”.
Nói về việc triển khai phòng chống buôn lậu nhỏ lẻ đang gia tăng, ông Phan Lợi - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang cho biết: “Mặc dù những mắt xích buôn lậu lớn đã bị triệt phá nhưng tình hình buôn lậu nhỏ lẻ lại đang gia tăng nên chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng túc trực. Đặc biệt, tập trung vào các tuyến, điểm mà dân buôn nhỏ lẻ ở tuyến biên giới đang hoạt động mạnh như Vĩnh Ngươn (TP. Châu Đốc)”.
“Chúng tôi cũng vừa thông báo số điện thoại “đường dây nóng” trên phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử (Sở Công Thương tỉnh) để các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu; gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại” – ông Lợi cho biết thêm.