Dân Việt

Du lịch trên cung đường Hạnh Phúc đi "cổng trời"

30/03/2015 08:00 GMT+7
Uốn lượn quanh co có chiều dài tới 160 cây số, một con đường, chỉ thuần túy dựa vào sức người, xuyên qua cả một biển đá âm u, dữ dằn nhất Việt Nam để đánh thức, để vực dậy vùng cao nguyên Đồng Văn kỳ vĩ, hoang sơ.
Khúc tráng ca của sức người

Những ngày tháng Ba này, đất và người Hà Giang đang náo nức, rộn ràng đón chào con đường Hạnh Phúc vừa tròn tuổi 50. Nối liền bốn huyện Hà Giang - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc, con đường có cái tên "độc nhất vô nhị" này đã chứng kiến cả nghìn chàng trai, cô gái hăng say, hối hả cống hiến cả quãng đời thanh xuân đẹp nhất cho từng mét đường chật vật thành hình.

Gần sáu năm với hơn hai triệu ngày công, với những dụng cụ rất đỗi thô sơ (như búa, xà beng, cuốc xẻng) cùng sự hỗ trợ của kíp mìn, thuốc nổ, hàng nghìn thanh niên xung phong (thuộc 16 dân tộc anh em ở sáu tỉnh - Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và sau này còn có thêm Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương...) đã làm một "cuộc trường chinh vĩ đại vào trong lòng đá", miệt mài phá đá mở đường.
img
Những cung đường mềm mại như dải lụa uốn mình theo những đỉnh núi hùng vĩ. (Ảnh: Trần Sơn)
Hầu như không có sự hỗ trợ của máy móc, thứ duy nhất giúp họ vận chuyển là hai chiếc xe tải cũ mèm ỳ ạch chạy qua chạy lại và cỡ chục con ngựa thồ làm nhiệm vụ tiếp phẩm. Chỉ riêng con dốc nơi đỉnh Mã Pì Lèng "mây đạp dưới chân, trời đụng trán", 17 chàng trai kiên cường thuộc Đội cơ dũng đã mất tới 11 tháng trời để lấn từng phân đường, "treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá, khắc đá ra mà cẩn mặt đường vào vách đá đứng thành vại" (nhà văn Nguyễn Tuân), để có được 24 cây số đường mềm như dải lụa ấp ôm vách núi đá sừng sững. Có thể nói, đây là con đường được thực thi theo cách thức thủ công nhất, gian nan nhất và cũng bi tráng nhất (14 TNXP đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang liệt sĩ ở Yên Minh).

"Có đường đi trên mây lên tới cổng trời"

Không chỉ dừng lại ở Hạnh Phúc, tiếp sau đó, một con đường mang tên Quyết Thắng cũng được tạo nên chỉ bằng sức người bạt núi, khoét đá đã nối liền Yên Minh - Mèo Vạc. Hai cung đường kết nối tạo thành một vòng cung ôm trọn cao nguyên Đồng Văn. Mồ hôi, nước mắt, máu xương đã đổ xuống nơi đây, để đúng nửa thế kỷ sau, thế hệ con cháu có thể ngồi xe ô- tô, ung dung thưởng ngoạn và thu vào tầm mắt cả một Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn chỉ trong có một ngày.

Dịp con đường đón tuổi 50, một tour du lịch mới, dọc theo lộ trình Hạnh Phúc đã được Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang) lên ý tưởng và chuẩn bị triển khai, nhằm biến "trang sử đá hào hùng" này trở thành một sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn cho "mỏm tột bắc" - nơi dáng hình đất nước tạo nên nét vẽ khởi đầu.

Chọn tour du lịch "Đường Hạnh Phúc kết nối với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh" này, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội được quay ngược cỗ máy thời gian về với con đường, từ điểm khởi đầu tới điểm kết thúc. Trên hành trình ấy, ta sẽ "tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian" nơi Cổng trời Quản Bạ, ngắm vẻ tròn đầy e ấp của Núi đôi Quản Bạ hay hít căng lồng ngực bầu không khí mát lạnh nơi "đệ nhất hùng quan" Mã Pì Lèng, chiêm ngưỡng dải lụa Nho Quế lững lờ xanh biếc, đẹp như trong bức tranh thủy mặc. Rồi những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu văn hóa, những thửa ruộng bậc thang đậm nhạt bao sắc độ xanh trải dài theo dốc núi, những ngôi nhà trình tường lấp ló sau bờ rào đá, những rừng đá tai mèo lớp lớp lô xô...

Không chỉ thế, những Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, khu dinh thự kiến trúc dòng họ Vương, Nghĩa trang TNXP mở đường Hạnh Phúc, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên... đều trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua trong suốt hành trình, giúp du khách vừa được đắm mình trong cảnh sắc núi sông hùng vĩ mà còn làm đầy hành trang yêu nước, tự hào về quá khứ của cha ông.