Vào Triều Nguyễn việc thờ cúng liên quan đến triều Tây Sơn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên tại Chùa Bộc đã bí mật thờ tượng Quang Trung dưới hình thức Đức ông. Cả ba pho tượng cho ta thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần.
Tư thế của tượng Đức Ông cũng khác thường. Ngài ngồi trên bệ sơn son, một chân ở trong hài, còn một chân để bên ngoài một cách tự nhiên, rất sống động. Ngài mặc áo hoàng bào, thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu đội mũ xung thiên, có hai dải kim tuyến thả xuống trông rất oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của vị đế vương. Ngay sau lưng pho tượng, phía bên trên đỉnh đầu, có một chữ tâm và dòng chữ ghi: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng" (Năm Bính Ngọ tạc tượng vua Quang Trung, 1846). Bên trên trước ngai thờ có một tấm hoành phi ghi bốn chữ: "Uy phong lẫm liệt". Đặc biệt hơn hết là đôi câu đối treo hai bên ngai thờ Đức Chúa Ông như sau: Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ/Quang trung hoá Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.
Đến chùa vào những ngày còn xuân, nhìn mai vàng phương Nam vẫn còn hoa ở sân chính điện, rồi hai cây mít cổ thụ ở trước và sau chính điện mà cảm thấy xúc động. Tôi và người bạn cùng đi mang hương hoa và một số sản vật Bình Định vào dâng lên Phật và vua Quang Trung và linh hồn những chiến sĩ năm xưa đã chết vì dân vì nước.
Tôi trình bày với cụ từ chùa Bộc, con quê của Đức vua Quang Trung, xin thắp nén hương dâng lên Ngài… Cụ Bà 89 tuổi tâm sự: “quê nào cũng đều kính trọng Ngài, còn thắp hương các con có tâm hương là được rồi!”… (vì Cụ bảo thắp hương làm đen tượng và chùa đã thắp hương vòng rồi!). Tôi thầm cảm ơn cụ từ chùa Bộc và ngộ ra nhiều điều!