Sở dĩ xưa kia gọi nơi đây là "đất thín" vì có câu chuyện tương truyền các nhà lang đã giấu đất ấy để không phải nộp tô thuế, náu luôn cả những xâm thực văn hóa từ Bắc thuộc đến tận Pháp thuộc.
Nắng còn chưa lên quá hàng cau đầu dốc, người với trâu đã lấm lem dưới ruộng cày. Những bờ xôi, ruộng mật ôm ấp đôi vụ lúa, xen lẫn vụ ngô, khoai như chiếc nôi cũ kĩ mà sinh sôi ra bao điều rực rỡ của nền văn hóa mường.
Tiếng lành đồn xa, chúng tôi ngược lên xã Chí Đạo. Nghe nói trước đây là đất của dổi. Người đi rừng qua đất Lạc, chỉ cần ngả lưng dưới khối rễ lớn của những thân dổi sạch như giường, bóng dổi che mát làm người ta có thể ngủ quên đến chiều muộn. Gỗ dổi rừng mấy người ôm không xuể, gỗ cứng lại có vân đẹp đã dựng nên bao nếp nhà sàn Mường.
Nhưng điều làm nên chất dổi vùng đất này phải là thứ hạt khô rơi rắc dưới gốc mỗi độ giữa thu. Thứ hạt khô nhăn nheo nhìn chẳng vừa mắt nhưng lại có vị hương độc đáo mà hễ ai cứ đặt vào đầu lưỡi cũng phải tấm tắc khen. Thấm chất màu của đất Mường Vang nguyên sơ, hạt dổi sinh ra như thể một sứ mệnh của trời đất để làm sang cho mâm cỗ lá người Mường với món thịt lợn, rau đồ, canh măng chua nấu cá suối. Giờ đây, rừng đã vơi nhưng khi về dưới mái sàn, nghe cụ già trong bản kể, một cây dổi từ tổ tiên để lại trong vườn đã được ươp mầm tạo nên những rừng dổi mới.