Dân Việt

Quê nhà cơ phó Airbus A320: Giằng xé giữa thương cảm và giận dữ

Phương Đăng 31/03/2015 15:14 GMT+7
Cảm xúc hỗn độn vừa đau buồn, xót xa, vừa xấu hổ và giận dữ vì bất ngờ phải chịu tai tiếng là những gì mà người dân thành phố Montabaur (Đức) - quê hương của cơ phó máy bay Airbus A320 Andreas Lubitz bị cáo buộc cố tình lái phi cơ đâm vào sườn núi Apls hẻo lánh ở nước Pháp, làm hàng trăm người chết oan đang trải qua.
img

Giới truyền thông bao vây trước nhà của gia đình cơ phó Andreas Lubitz

Khi các nhân viên tại một cửa hàng đồ ăn nhanh Burger King ở thành phố nhỏ Montabaur của nước Đức nghe tin đồng nghiệp cũ của họ, cơ phó Andreas Lubitz thiệt mạng trong thảm kịch máy bay Airbus A320 rơi tại vùng núi Apls hẻo lánh của nước Pháp ngày 24.3, họ đã chuẩn bị tới thăm nhà và gửi thiệp chia buồn với gia đình Lubitz.

Tuy nhiên, họ chưa kịp thực hiện dự định trên thì lại hay tin sét đánh, chính Lubitz, một phi công trên máy bay đã chủ tâm lái chiếc phi cơ đâm vào sườn núi, kéo 149 người khác trên khoang chết oan cùng với anh ta.

Cơ phó Lubitz từng làm thêm bán thời gian tại cửa hàng Burger King trong vai trò là một đầu bếp trước khi trở thành phi công. Quản lý cửa hàng Detlef Adolf, người từng quản lý Lubitz trước đây quyết định không đến thăm hay gửi thiệp chia buồn với gia đình Lubitz nữa.
 
Sự "tiến thoái lưỡng nan" mà các nhân viên cửa hàng Burger King, đồng nghiệp cũ của cơ phó Lubitz nói riêng phản ánh cảm xúc mâu thuẫn, hỗn độn vừa đau buồn, xót xa vừa giận dữ, xấu hổ của người dân Montabaur kể từ khi hay tin Lubitz, một công dân của thành phố gây ra cái chết oan uổng cho 149 người sau khi cố tình lái máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 đâm vào sườn núi.
img
Chân dung cơ phó Andreas Lubitz

Người dân Montabaur và hàng xóm của gia đình Lubitz cảm thấy cảm thông với nỗi đau và tấn bi kịch mà cha mẹ cơ phó Lubitz đang phải trải qua bởi hành động cực đoan của con trai họ.
 

Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy phẫn nộ, xấu hổ trước những gì mà đồng hương của họ đã gây ra.

Nhiều người dân ở Montabaur giận dữ vì phải chia sẻ trách nhiệm với cơ phó Lubitz trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc và lo sợ từ nay về sau thành phố sẽ gắn liền với cái tên Andreas Lubitz hoặc bị dán nhãn là cái nôi sinh ra viên cơ phó này.
 

img
Cánh truyền thông ào ra phỏng vấn, ghi hình khi các nhà điều tra tới gia đình Lubitz

 

Gia đình Lubitz sống trong một ngôi nhà hai tầng sang trọng với sân vườn rộng rãi trong một khu phố sầm uất ở Lubitz. Ông Lubitz là một doanh nhân thành đạt còn bà Lubitz là một giáo viên dạy đàn piano. Cả hai ông bà đều được hàng xóm quý mến vì gần gũi, thân thiện và hòa đồng.

Sau khi các nhà điều tra công bố thông tin cơ phó Andreas Lubitz là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc, gia đình Lubitz liên tục bị cánh truyền thông săn đón, làm phiền. Nhiều người hàng xóm cảm thấy ái ngại cho họ.

Thị trưởng thành phố Montabaur (Đức) đã phải lên tiếng yêu cầu các phóng viên, nhà báo dành sự tôn trọng cho bố mẹ của cơ phó Lubitz.

"Kể cả khi những cáo buộc đối với cơ phó Lubitz là hoàn toàn chính xác, chúng tôi vẫn rất cảm thông với gia đình của cậu ấy. Và chúng tôi đề nghị truyền thông tôn trọng gia đình", thị trưởng Edmund Schaaf nhắc khéo đám đông phóng viên, nhà báo đang "đóng đô" gần gia đình cơ phó Lubitz.

Mục sư Michael Dietric ở nhà thờ Luthera, ở ngoại ô thành phố, nơi mẹ của cơ phó Lubitz thường đến chơi đàn trong một bài giảng đạo hôm Chủ nhật (29.3) đặt câu hỏi: "Chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng ta nên làm thế nào?". 

Mục sư Dietric nhấn mạnh, câu hỏi của ông không chỉ hướng đến gia đình các nạn nhân mà còn gia đình cơ phó Lubitz vốn không xa lạ với nhiều người ở Montabaur và khẳng định, ông đồng cảm với cha mẹ của Lubitz.  

Bao phủ khắp thành phố Montabaur thời điểm này là bầu không khí trầm mặc, buồn bã. Người dân Montabaur kín đáo thắp những ngọn nến đơn lẻ trong vườn như một cách thể hiện sự cảm thông với các nạn nhân vụ máy bay rơi. 

Ở các cửa hàng hay quán cà phê trong thị trấn, người ta không nhắc quá nhiều tới cơ phó Lubitz.

"Bạn có nghĩ thế giới bên ngoài sẽ gắn chúng tôi với anh ta không?", một nhân viên bán hàng giấu tên đặt câu hỏi và cố tình tránh nhắc tới cái tên Lubitz.

Trong khi đó, Simona Nardelli, một nhân viên phục vụ ở quán cà phê cũng nói về khách quen một cách ngắn gọn nhất. "Anh ta chỉ là một người bình thường, hay uống cappuccino. Chẳng có gì nữa", Sky News dẫn lời Nardelli.

Nardelli cũng cảm thấy khó chịu khi phóng viên, nhà báo từ khắp nơi đổ về thành phố sau vụ tai nạn và bày tỏ sự cảm thông với gia đình Lubitz. "Thật buồn khi giờ có quá nhiều mối quan tâm của báo chí với gia đình ấy", Nardelli nói.

Cơ phó Lubitz và gia đình anh này đang ở giữa "tâm bão" dư luận sau khi các nhà điều tra công bố dữ liệu thu được từ một hộp đen máy bay Airbus A320 mang số hiệu  4U9525 của hãng hàng không Germanwings và kết luận, cơ phó người Đức Lubitz, 28 tuổi đã cố ý lái phi cơ đâm vào sườn núi Apls, ở miền nam nước này, cướp đi sinh mạng của toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.

Theo thông tin mới nhất vừa được công bố ngày 30.3, các công tố viên Đức cho hay, Lubitz từng phải điều trị tâm lý sau khi có xu hướng tự sát và đã nhiều lần tìm đến cái chết nhưng bất thành trong vài năm trước khi trở thành phi công.  

Ông Ralf Herrenbrueck , người phát ngôn của văn phòng công tố Dusseldorf cho hay, cơ phó Lubitz đã nhiều lần đến gặp bác sĩ và được viết nhiều giấy phép nghỉ ốm. Tuy nhiên trong hồ sơ của anh ta không hề lưu lại bất cứ xu hướng muốn tự sát hay hành vi hung hăng với người khác nào. Không hề có bằng chứng nào cho thấy viên cơ phó sẽ làm những điều mà anh ta đã làm.

Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin, cảnh sát đã tìm thấy các giấy phép nghỉ ốm bị xé tan trong sọt rác nhà Lubitz chứng tỏ anh ta đã cố tình che giấu bệnh tật của mình với hãng hàng không, trong đó có các triệu chứng rối loạn thần kinh và hội chứng “bong võng mạc” có thể khiến anh ta bị mù vĩnh viễn.

Một quan chức Pháp từng tiếp xúc với cha của cơ phó Lubitz cho hay, trái tim của người cha này đã vỡ thành từng mảnh và cuộc đời ông sụp đổ ngay trong giây phút hay tin, chính con trai mình đã gây ra thảm kịch máy bay thảm khốc, khiến hàng trăm người chết oan.