Ngày 30/3, Thượng viện Pháp đã phải bác bỏ một đạo luật chống nạn mại dâm được Hạ viện thông qua từ năm 2013 sau khi vấp phải phản ứng dữ dội của các cô gái hành nghề mại dâm ở thủ đô Paris, những người đã tổ chức biểu tình rầm rộ suốt hai ngày cuối tuần.
Các Thượng nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu bác bỏ đạo luật do Hạ viện đề xuất, trong đó quy định phạt tới 1.500 euro đối với những người mua dâm và hình sự hóa hành vi chào mời khách mua dâm.
Theo luật pháp hiện nay của Pháp, mại dâm được thừa nhận là một nghề hợp pháp, mặc dù hoạt động ma cô, môi giới và điều hành nhà thổ hoặc chào mời khách mua dâm nơi công cộng đều bị coi là phi pháp.
Đạo luật này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các cô gái bán hoa ở Pháp. Họ lo sợ rằng việc hình sự hóa hành vi mua dâm sẽ đẩy ngành “dịch vụ” lâu đời nhất thế giới này chìm sâu vào thế giới ngầm, nơi họ phải chịu sự chi phối của các đường dây ma cô dắt gái chuyên nghiệp.
Phát biểu trên một tờ báo địa phương hôm cuối tuần, một người phát ngôn của Liên đoàn Lao động Tình dục Pháp tuyên bố: “Điều chúng tôi thực sự lo sợ là Pháp cuối cùng sẽ ngăn cấm hoàn toàn và trừng phạt cả gái bán dâm lẫn khách mua dâm”.
Trong hai ngày cuối tuần, hàng trăm cô gái bán dâm bịt mặt, trong đó có rất nhiều phụ nữ Trung Quốc nhập cư trái phép, đã đổ xuống đường biểu tình phản đối đạo luật trên. Những người này tự gọi mình là “Hoa hồng thép” và đã ký vào một đơn kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp bác bỏ đạo luật.
Dưới sức ép của dư luận và các cô gái bán dâm, Thượng viện Pháp buộc phải có những động thái xem xét lại đạo luật trên. Thượng nghị sĩ Esther Benbassa tuyên bố: “Chúng ta phải trừng phạt bọn mafia chứ không phải những phụ nữ này. Chúng ta phải lùi lại một bước”.
Tờ France 24 cho biết thay vì thông qua đạo luật do Hạ viện đề xuất, Thượng viện Pháp đã đưa ra một đạo luật mới, trong đó quy định các cô gái bán dâm sẽ tiếp tục bị phạt tới 3.750 euro nếu vi phạm các quy định của pháp luật, đồng thời bãi bỏ điều luật quy định phạt khách mua dâm.
Theo ước tính, hiện có khoảng 30.000 lao động tình dục đang hoạt động ở nước Pháp, trong đó có tới 80% là các cô gái nhập cảnh trái phép, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đông Âu, châu Phi và Nam Mỹ.