Trang Daily Mail của Anh ngày 31.3 đưa tin, bức ảnh cậu bé Syria, 4 tuổi tên là Adi Hudea giơ hai tay đầu hàng, gương mặt "đông cứng" lại với đôi môi mím chặt vì sợ hãi tột cùng khi tưởng nhầm máy ảnh đang chỉa thẳng trước mặt là khẩu súng - loại vũ khí giết người em thấy hàng ngày đang khiến cộng đồng mạng khắp thế giới dậy sóng. Bức ảnh phản ánh những tổn thương sâu sắc hằn sâu trong tâm hồn những đứa trẻ Syria thơ ngây, bé bỏng sinh ra và lớn lên giữa bom đạn. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong mọi cuộc chiến.
Một người khác viết: "Chúng ta không thể bảo vệ được những thế hệ trẻ của chúng ta. Thật xấu hổ".
Nhân vật chính của bức ảnh, bé Hudea hiện sống lay lắt dựa vào các nguồn hỗ trợ nhân đạo cùng mẹ và 3 anh chị em khác tại trại tị nạn.
Cuộc nội chiến Syria đã bước sang năm thứ 5 và đã cướp đi mạng sống của 220.000 người, trong đó có khoảng 10.000 đứa trẻ.Hàng triệu gia đình Syria khác đã phải bỏ nhà cửa, quê hương, đất nước đi di tản, chạy trốn khỏi cuộc chiến đẫm máu. 12 triệu người, trong đó có khoảng 5 triệu trẻ em đang cần được hỗ trợ nhân đạo.
Trong một báo cáo hồi tháng 3 khi cuộc chiến ở Syria vừa bước sang năm thứ 5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, cuộc sống của 14 triệu trẻ em nước này bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề bởi bom rơi đạn lạc. Syria đang phải chứng kiến một thế hệ bị tước đoạt quyền đi học, chăm sóc y tế, nhà ở và niềm hy vọng cho tương lai.
"Đối với những bé nhỏ tuổi, cuộc khủng hoảng này là tất cả những gì mà các em biết. Đối với thanh thiếu niên đang bước vào giai đoạn hình thành nhân cách, bạo lực và sự đau khổ không chỉ để lại vết sẹo trong quá khứ mà còn định hình tương lai các em", ông Anthony Lake, giám đốc điều hành UNICEF tuyên bố.
UNICEF ước tính có ít nhất 2 triệu trẻ em Syria cần đến sự hỗ trợ hoặc điều trị tâm lý.
Báo cáo trên của UNICEF cũng cảnh báo 5,5 triệu trẻ em đang ở Syria hay đang sống tị nạn ở các nước láng giềng sẽ không được hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng.Ngoài ra, khoảng 1,2 triệu trẻ em Syria đang sống trong các trại tị nạn ở nước ngoài cũng bị hạn chế tiếp cận sử dụng nước sạch, thực phẩm dinh dưỡng và học hành.