Dân Việt

Doanh nghiệp nông nghiệp thua thiệt vì chậm đổi mới công nghệ

Ngọc Lê 01/04/2015 08:21 GMT+7
Số liệu của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ (KHCN-Bộ KHCN) cho biết, hiện các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học chiếm đa số với con số lên đến 38% tổng số DN KHCN.  Tuy nhiên, có tới 60% DN sử dụng máy móc lạc hậu...

Con số trên đã được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Vai trò của DN trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” do Bộ KHCN tổ chức ngày 31.3 tại Hà Nội.

Chậm đổi mới công nghệ

Theo TS Đào Quang Thủy- Cục Phát triển thị trường và DN KHCN, hạn chế của các DN hiện nay là số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) trong DN còn ít với chỉ có khoảng 25 DN có R&D. Ông Thủy nêu ví dụ cụ thể, qua việc khảo sát ở Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho thấy, DN đang có bản quyền 15 giống cây trồng và hơn 30 nhãn hiệu, hàng năm dành tới hơn 10 tỷ đồng cho nghiên cứu, phát triển nhưng hiện vẫn chưa có bộ phận R&D. “Tôi đã tư vấn cho DN cần thành lập ngay bộ phận này để phát triển bền vững”- TS Thủy nói.

img
Quy trình sản xuất sữa tại trang trại của Tập đoàn TH được được áp dụng công nghệ  hiện đại. Ảnh: Phạm Quân
Quá trình đổi mới công nghệ trong các DN chậm. Trình độ công nghệ của các DN chủ yếu là trung bình và thấp. Theo TS Đào Quang Thủy, điều này dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

 

Từ thực trạng trên, TS Đào Quang Thủy kiến nghị, cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách gần với thực tiễn hơn; tăng cường vai trò của các địa phương trong việc hỗ trợ DN KHCN. Hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ thông qua các Quỹ phát triển KHCN…

3 kiến nghị

Quan điểm

Ông Vijay Kumar Pandey
  Nông nghiệp Việt Nam hiện như một “ Thánh Gióng” với rất nhiều điều kiện, tiềm năng thuận lợi để phát triển. Tuy vậy, nếu muốn phát triển được, thì chìa khóa chính là phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.  
Theo đánh giá của các nhà khoa học, để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay không thể thiếu được vai trò của các DN, bởi DN chính là động lực để tạo ra các sản phẩm có sự sáng tạo, tiên tiến. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, ông Vijay Kumar Pandey- Giám đốc tài chính Tập đoàn TH đánh giá, có thể nói nông nghiệp Việt Nam hiện như một “cậu Thánh Gióng” với rất nhiều điều kiện, tiềm năng thuận lợi để phát triển. Tuy vậy, nếu muốn phát triển được, thì chìa khóa chính là phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

 

“Như tại TH, chúng tôi đã áp dụng công nghệ cao đầu- cuối, tức từ khâu sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm đều ứng dụng hoàn toàn bằng công nghệ hiện tại, tiên tiến. Nhờ đó, chỉ sau chưa đầy 6 năm xây dựng, tập đoàn đã xây dựng được thương hiệu sữa tươi TH true MILK với hơn 40% thị phần”- ông Vijay nói.

Để việc ứng dụng công nghệ, thu hút tri thức vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Vijay cho rằng, Nhà nước cần giải quyết 3 kiến nghị của DN, đó là: Đất đai, cơ chế và minh bạch thị trường. Theo đó, đối với vấn đề đất đai, trong giai đoạn đầu, nhà nước nên hỗ trợ DN lấy đất từ các nông trường cũ, đất của các tổng đội thanh niên xung phong cụ hiện đang bị bỏ hoang; trong giai đoạn sau đưa nhân dân thành một mắt xích của DN. Đối với cơ chế, cần hỗ trợ các khoản vay cho DN để phát triển công nghệ cao, nhất là có những cơ chế đặc dù cho DN làm nông nghiệp…

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, quan điểm của Bộ KHCN là luôn luôn hỗ trợ, khuyến khích DN công nghệ, có thể bằng con đường nhập khẩu công nghệ, đồng thời sáng tạo ra những công nghệ mới để sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh với thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất càng quan trọng để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, cạnh tranh được trên thị trường thế giới.