Ngày 31/3, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố quân đội và dân quân Iraq đã giành chiến thắng trước phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố chiến lược Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein sau một tháng tấn công vây hãm.
Ông Abadi cho hay lực lượng Iraq đã tiến vào được trung tâm Tikrit, cắm cờ trên nóc tòa thị chính và đang tiếp tục truy quét tàn quân IS cũng như tháo gỡ các loại bẫy bom mìn mà phiến quân đã cài trên các đường phố.
Thủ tướng Iraq thừa nhận rằng các lực lượng an ninh Iraq có thể giành được chiến thắng quan trọng này là nhờ “sự yểm trợ trên không và các cuộc oanh kích dày đặc” của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu, sau khi quân đội Iraq gặp bế tắc trên chiến trường.
Chiến thắng ở Tikrit được coi là một bước ngoặt mang ý nghĩa chiến lược và biểu tượng đối với quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Shiite trong cuộc chiến chống lại IS, đồng thời đẩy lùi phiến quân ra xa thủ đô Baghdad hơn nữa.
Ông Hadi al-Ameria, chỉ huy lực lượng dân quân Shiite đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch tấn công này tuyên bố rằng sau khi củng cố lực lượng, họ sẽ tiếp tục tiến quân về tỉnh Anbar ở phía tây để giải phóng tỉnh này khỏi ách cai trị của IS.
Chiến dịch tấn công Tikrit đã bộc lộ cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Iran đối với chính quyền trung ương Iraq. Ban đầu, quân đội Iraq phát động chiến dịch này với sự trợ giúp của các cố vấn Iran mà không cần hỏi ý kiến Mỹ.
Tuy nhiên, sau 2 tuần tấn công, chiến dịch lâm vào bế tắc khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của IS, trong khi Mỹ không hề có bất cứ động thái yểm trợ nào. Sự bế tắc này chỉ được khai thông sau khi Mỹ đồng ý thực hiện các cuộc không kích nhắm vào hàng loạt mục tiêu IS bên trong thành phố, tạo điều kiện cho lực lượng tấn công mở đường tiến vào trung tâm Tikrit.
Các cuộc không kích của Mỹ trên thực tế đã gạt lực lượng dân quân người Shiite và các cố vấn Iran ra bên lề. Các quan chức Mỹ cho biết trong số 4000 quân Iraq tiến vào thành phố Tikrit ngày hôm qua, chỉ có chưa đến 200 dân quân người Shitte.
Tuy nhiên lực lượng dân quân người Shiite và cả các binh sĩ Iran tham gia chiến dịch này đều không đồng ý với nhận định đó của Mỹ. Ông Abu Mohandes, chỉ huy Lữ đoàn Hezbullah do Iran hậu thuẫn nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân Shitte có vai trò rất quan trọng trong việc đánh tan những ổ đề kháng cuối cùng của IS.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ lại muốn tận dụng cơ hội này để chứng tỏ cho chính quyền trung ương Iraq thấy rằng họ nên về phe của Mỹ, chứ không phải là Iran, trong cuộc chiến chống lại IS.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tuyên bố: “Iraq sẽ phải quyết định về phe ai. Chúng tôi đã chứng minh được trên cả nước, và giờ đây là ở Tikrit, rằng chúng tôi là một đối tác mạnh và tin cậy”.