Dân Việt

Cái nuôi ta lớn

26/06/2013 12:57 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày còn trên ghế nhà trường phổ thông, tôi hay ghi chép danh ngôn vào cuốn sổ tay. Thích thú với những triết lý của những văn hào, triết gia nhưng rồi chả vận dụng vào đâu được.

Nó xa vời vợi như những vì tinh tú trên dải Ngân Hà. Rồi sau đó cũng quên đi nhanh chóng như những vệt sao băng ta vừa nhìn đã vụt tắt. Sáng đấy mà xa quá.

Cũng như tôi một thời, bây giờ vẫn có nhiều người mê say danh ngôn. Tuổi trẻ mơ ước và khát vọng, mắt thích nhìn xa với niềm khát khao tầm vũ trụ chứ không phải khoảnh sân trước nhà… Họ nào đâu biết rằng mê chỉ để mê, say chỉ để say chứ có hun đúc thiết thực gì lắm đâu.

Những nhặt nhạnh đó chứa đầy căn nhà lộn xộn như đống đồ trang sức ít dùng, nhiều cái quý giá nhưng không biết dùng vào việc gì, hoặc không dùng được vì nó chẳng phù hợp kích cỡ nào!

Duy có một thứ chẳng ghi vào sổ, chỉ nhớ trong đầu, quen thuộc đến mức chẳng còn để ý, tựa như rau muống, rau dền cuối cùng lại trở nên thiết thực nhất. Đó là “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”... Chính những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ấy mới dạy mình nên người.

Vâng, tuổi trẻ ai cũng thấy quê mình chật hẹp, căn nhà mình gò bó, thích dõi mắt về phía phương trời xa. Cứ đi, đi mãi, rồi đến một lúc nào đấy ngoảnh về quê hương mới thấy cái căn cốt làm nên cuộc đời ta. Cũng phải thấy danh ngôn của các triết gia thì mới hiểu lời ông bà là quý, là sâu sắc trong cái giản dị. Nếu không có, biết lấy gì mà so.

Cái nuôi ta lớn chính là mảnh đất nơi ta được sinh ra. Dù mai này đi đâu, ở đâu thì cũng không ai quên cái gốc. Có nó, cuộc đời người ta mới vững vàng mà sống.