Theo IB Times, nghiên cứu của ba tác giả Michael Hippke, Wilfried F. Domainko, John G. Learned được công bố hôm 30/3, với tiêu đề "Những bước riêng biệt của phạm vi phân tán sóng tín hiệu vô tuyến nhanh (FRB)". Trong đó, ba nhà khoa học khám phá nguồn gốc của FRB từ vũ trụ trong thời gian gần đây và xem xét một "nguồn gốc không tự nhiên".
Tín hiệu vô tuyến bí ẩn được quan sát với kính thiên văn Parkes. Ảnh: Swinburne Astronomy Productions
FRB là sự xuất hiện của sóng vô tuyến từ vũ trụ. Những tín hiệu này rất nhanh, chỉ kéo dài trong một vài mili giây nhưng phát đi năng lượng nhiều bằng lượng Mặt Trời toả ra trong một ngày. Hồi đầu năm nay, giới khoa học lần đầu tiên ghi trực tiếp những tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ một nguồn phát lạ, cách Trái Đất khoảng 5,5 tỷ năm ánh sáng.
Để tìm hiểu khả năng truyền dẫn xa của FRB, nhóm chuyên gia sử dụng một khái niệm gọi là phạm vi phân tán (DM). Tín hiệu càng đến nhanh thì DM càng lớn. "Nghiên cứu chỉ ra rằng 10 trong số các FRB truyền đi với mức bội số của 187,5 cm. Điều này cho thấy mỗi tín hiệu đến từ các nguồn riêng biệt ở khoảng cách đồng đều tính từ Trái Đất", Global News cho hay. Họ cho rằng 5/10.000 khả năng xuất hiện sự sắp xếp này là trùng hợp ngẫu nhiên.
Theo các tác giả, không chắc chắn là nguồn FRB đến từ một thiên hà khác. Nó có thể thuộc thiên hà của chúng ta và họ tin rằng đây sẽ là điều ngạc nhiên nhất. "Nếu cả hai vấn đề này có thể kết luận, một nguồn gốc không tự nhiên (con người hoặc không phải con người) phải được xem xét, đặc biệt khi hầu hết sóng tín hiệu được quan sát ở chỉ một vị trí", họ kết luận. Tuy nhiên, họ tin rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu cần thiết khác.
Jill Tarte, một nhà thiên văn học nổi tiếng của Viện nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất (SETI), cũng đồng ý với khả năng trên. Ông bình luận rằng những tín hiệu này có thể được sắp đặt và chỉ băn khoăn rằng liệu có phải người ngoài Trái Đất tạo ra chúng hay không.